Cách mạng tinh gọn bộ máy: “Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”
Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "TINH - GỌN - MẠNH - HIỆU NĂNG - HIỆU LỰC - HIỆU QUẢ", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, ở mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.
Sau 6 tháng triển khai, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm việc khẩn trương, Quốc hội - Chính phủ - Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp triển khai quyết liệt, nhịp nhàng để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, rào cản gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân...
Đến nay, các Ban Đảng Trung ương sau khi tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chỉ còn 6 Ban, gồm Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước khi sắp xếp, khối Quốc hội có 14 cơ quan, sau khi sắp xếp còn 9 cơ quan, giảm 5 cơ quan, đạt tỷ lệ giảm 37,5%. Về phía các vụ, đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội, sau sắp xếp giảm trên 51% đầu mối. Đây là sự cố gắng rất lớn, rất khẩn trương của các cơ quan.
Trong khi đó, tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, ngành, tương ứng 22,7%), gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Có 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan, tương ứng 37,5%), gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy còn đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Những triển khai bước đầu đã tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2025, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.
Bài: Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: TTXVN