Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới

Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới

Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Năm 2022, bất chấp những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) với sản lượng gần 1,8 triệu tấn, đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về gần 4 tỉ USD; trong đó nguồn cà phê Đắk Lắk với thương hiệu và chỉ dẫn địa lí “Cà phê Buôn Ma Thuột” chiếm trên 30% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Đây chính là cơ sở để Đắk Lắk xây dựng Buôn Ma Thuột thành “điểm đến của cà phê thế giới” dựa trên thế mạnh riêng có của mình.

Cảm hứng Buôn Ma Thuột

Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với di sản văn hóa thế giới cồng chiêng, với những phong tục, lễ hội độc đáo của các dân tộc như Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Mnông, Xơ Đăng…  mà còn nổi tiếng với đặc sản cà phê robusta có lịch sử hơn 100 năm. Ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắc Lắk, một lễ hội cà phê cấp quốc gia cũng được tổ chức định kì 2 năm một lần với nhiều hoạt động hấp dẫn để quảng bá, tôn vinh lịch sử và các giá trị của nghề trồng, chế biến cà phê.


Cây cà phê vối (robusta) được người Pháp đưa vào trồng ở Buôn Ma Thuột vào khoảng đầu thế kỉ 20. Ngay từ thời ấy, người Pháp đã phát hiện ra những giá trị đặc biệt của cà phê robusta Buôn Ma Thuột nhờ hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác hẳn với loại cà phê chè (arabica) mà người phương Tây quen dùng, nên cà phê làm ra chủ yếu để dành xuất khẩu về Pháp.

Nhiều nhà nghiên cứu và giới kinh doanh cà phê cho rằng cà phê robusta của Buôn Ma Thuột là loại cà phê ngon nhất thế giới. Điều này còn tùy thuộc vào văn hóa, thói quen và sự cảm nhận của mỗi người và mỗi vùng miền khác nhau. Nhưng có một sự thực rằng Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil, nhưng lại đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta, trong đó chiếm phần lớn là cà phê robusta đặc sản mang thương hiệu và chỉ dẫn địa lí “Cà phê Buôn Ma Thuột”.


Nhiều năm qua, cà phê robusta Việt Nam liên tục được truyền thông quốc tế nhắc đến như một sự phát hiện thú vị đầy mới lạ. Mới đây, trên chuyên trang ẩm thực nổi tiếng thế giới Taste Atlas, cà phê sữa đá của Việt Nam được pha chế từ cà phê robusta được đánh giá đứng thứ 2 trong Top 10 thức uống cà phê ngon nhất thế giới. Năm 2022, tạp chí du lịch The Travel của Canada đánh giá Việt Nam là một trong số những quốc gia có cà phê ngon nhất thế giới. Trước đó, năm 2020, hãng tin CNN của Mỹ nhận xét cà phê Việt Nam là một thức uống phổ biến với nhiều cách pha chế độc đáo khác nhau. Cũng trong năm này, tạp chí The New York Times cũng có bài bình luận đánh giá cà phê Việt Nam đang trở thành một thương hiệu quốc gia với những hương vị đa dạng và độc đáo.

Không chỉ xuất hiện trên truyền thông, cà phê robusta đặc sản Buôn Ma Thuột còn được nhiều tổ chức uy tín như Rainforest Alliance, UTZ và Fairtrade chứng nhận đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế cũng như giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi cà phê quốc tế hàng đầu như The Best of the World, International Catering Cup…

 

Những giá trị nổi bật của loại cà phê robusta đặc sản chính là niềm cảm hứng để Buôn Ma Thuột phát triển trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”. Nói như ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Daklak, đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu của Đắk Lắk: “Với những gì đã đạt được chúng ta có thể khẳng định chất lượng cà phê robusta Việt Nam là ngon hàng đầu thế giới. Một ngày không xa khi thế giới nghĩ về cà phê robusta sẽ nhớ đến Việt Nam và nghĩ ngay đến Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê của thế giới, tương tự như nói đến rượu vang là nhớ đến Bordeaux của Pháp”.

Định vị robusta trong thị phần cà phê đặc sản thế giới

Nguồn cảm hứng đưa Buôn Ma Thuột thành “điểm đến của cà phê thế giới” có lẽ bắt nguồn từ loại cà phê robusta đặc sản nổi tiếng đã được thế giới công nhận. Việt Nam là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cà phê robusta. Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung lại có thế mạnh rất lớn trong việc phát triển dòng cà phê này. Cà phê robusta của Đắk Lắk chiếm tới hơn 30% tổng lượng cà phê xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn/năm của Việt Nam. Trong khi đó, dự báo cho biết thị trường cà phê đặc sản thế giới đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm và hiện chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu 220 tỉ USD của ngành cà phê toàn cầu. Điều đó cho thấy miếng bánh thị phần cà phê đặc sản của Đắk Lắk là rất lớn.

Một điều thuận lợi khác là thị trường xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam hiện đã được định hình khá vững chắc và ổn định. Ngoài Châu Âu, thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% lượng tiêu dùng cà phê toàn cầu, nơi Việt Nam và Brazil đang chiếm lĩnh tới hơn 50% lượng nhập khẩu cà phê của cả châu Âu, thì nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng đang có nhu cầu nhập khẩu lớn cà phê robusta của Việt Nam.


Tại Đức, theo ông Holger Preibisch, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Đức, ở quốc gia này mỗi người dân tiêu thụ tới 169 lít cà phê/năm, nhiều hơn cả uống bia (90 lít/năm), nên nhu cầu nhập khẩu cà phê là rất lớn. Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai sau Brazil vào Đức, chiếm 18,63% thị phần nhập khẩu cà phê của Đức. Hay như Ý, quốc gia nổi tiếng về sành cà phê, chủ yếu là cà phê arabica, trong tháng 1/2023 cũng nhập khẩu của Việt Nam hơn 17 nghìn tấn robusta, trị giá gần 36 triệu USD.

Các dòng cà phê bột nổi tiếng của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legend. Ảnh: Trịnh Bộ, thanh hòa/VNP

Để gia tăng sức ảnh hưởng trên thị trường thế giới, Đắk Lắk xác định cà phê là cây trồng chủ lực, chiếm ngôi vị “số 1” trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đã xây dựng đề án phát triển cà phê bền vững cho giai đoạn 20025 đến 2030 với mục tiêu đảm bảo theo hướng tăng trưởng xanh, ổn định, bền vững, đa giá trị với quan điểm không mở rộng diện tích, tập trung nâng cao chất lượng các vùng cà phê đặc sản gắn với vùng chỉ dẫn địa lí cà phê Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk hiện đã hình nên nhiều vùng chuyên canh cà phê robusta đặc sản. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng không đứng ngoài cuộc khi chủ động xây dựng nên vùng nguyên liệu riêng cho mình bằng những mô hình hợp tác xã cà phê bền vững. Điển hình như Công ty Simexco Daklak đã thành lập HTX Nông nghiệp bền vững Cư Suê 2-9 ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk để chuyên canh hơn 150ha cà phê đặc sản. Mô hình này đã được nhiều đoàn chuyên gia nông nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan tìm hiểu và đánh giá cao.


Bên cạnh việc quy hoạch vùng trồng, Đắk Lắk cũng đẩy mạnh việc phát triển thành trung tâm chế biến sâu, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư; hình thành nên những tập đoàn, doanh nghiệp mạnh để phục vụ xuất khẩu, trong đó có những tên tuổi lớn đã tạo được dấu ấn trên thị trường cà phê thế giới như Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legand, Công ty Simexco Daklak, Công ty An Thái, Công ty Dakman Việt Nam… Tất cả các giải pháp ấy với một mục tiêu không gì khác là góp phần nâng tầm giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê Việt Nam từ 4 tỉ USD/năm lên 10 tỉ USD. Một sự kì vọng lớn nhưng không phải không có cơ sở./.

Bảo tàng Thế giới Cà phê ở Muôn Ma Thuột, nơi giới thiệu và tôn vinh các nền văn hóa cà phê nổi tiếng trên thế giới,
trong đó có cà phê Việt. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Cà phê robusta chiếm trên 90% diện tích trồng cà phê ở Việt Nam. Cà phê robusta đặc sản Buôn Ma Thuột khi pha cho nước sóng sánh màu hổ phách đẹp mắt, hương thơm nồng nàng, vị đậm đà pha chút chua thanh mát của trái cây tự nhiên; có thể dùng đơn hoặc phối trộn pha thành nhiều loại cà phê hấp dẫn, nổi tiếng như cà phê đen, cà phê sữa đá, cà phê trứng, cà phê muối… Theo định hướng, đến năm 2025 Đắk Lắk sẽ có 1.060ha cà phê robusta đặc sản, và 2.120ha vào năm 2030, sản lượng dự kiến khoảng 1.500 tấn vào năm 2030.

 Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Hòa, Trịnh Bộ


Top