Bánh tẻ của người Sơn Tây
Bánh tẻ Sơn Tây ngon nổi tiếng từ xưa nay và được coi là có gốc tích từ làng Phú Nhi này thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Bánh tẻ thường được du khách mua về làm quà hay được người Sơn Tây mang ra mời khách. Du khách thường bảo bánh tẻ Sơn Tây ngon tới mức ăn một lại muốn ăn hai với người dân dân địa phương trong các bữa cỗ, tiệc luôn có mặt món bánh tẻ. Trong chương trình “Tết làng Việt” chào xuân Quý Mão, món bánh này cũng được chọn giới thiệu đến với những nhà ngoại giao nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội và được mọi người nhiệt tình đón nhận.
Bột làm bánh tẻ làm từ gạo gạo Khang Dân một loại gạo khi nấu gạo nở nhưng không bị bết để bánh tẻ dóc, giòn. Để làm bột người ta ngâm gạo trong vài ngày tùy vào thời tiết nóng hay lạnh. Ngâm gạo xong thì vo rồi cho vào cối xay mịn. Sau đó bột được cho vào nồi, đun lửa nhỏ, khuấy cho đặc lại cho đến khi thấy nặng tay là được nguyên liệu làm vỏ bánh. Nhân bánh tẻ thông thường làm từ thịt lợn xào mộc nhĩ. Người đầu bếp xào thật kỹ mộc nhĩ trong chảo ngập mỡ, bỏ công đảo thật lâu cho mộc nhĩ chín kỹ, se lại để nhân bánh thêm thơm ngon và để được lâu. Xưa bánh tẻ truyền thống có nhân chỉ có hành, mộc nhĩ xào với hạt tiêu. Ngày nay ngoài nhân nhân thịt xào mộc nhĩ người ta cũng làm nhiều loại nhân khác như nhân tôm, nhân đỗ… để phù hợp với sở thích của mọi người.
Xong các công đoạn chuẩn bị trên là đến khâu gói bánh. Lá chuối tươi được rửa sạch, đem phơi héo hoặc luộc sơ để có độ dai, mềm để dễ gói. Người thợ đặt chồng 2 miếng lá chuối lên nhau, múc một ít bột đã quấy phết lên trên lá, múc tiếp nhân thịt đã xào rải đều lên trên bột rồi phét tiếp bột phủ kín nhân thịt. Sau đó họ túm hai mép lá chuối gói, lăn tròn đều tay cho chắc, đẹp rồi dùng lạt buộc bánh. Bánh tẻ sau đó được xếp dựng đứng trong nồi để hấp. Thời gian hấp bành từ từ 45 - 90 phút tùy thuộc vào số lượng.
Sau khi chín bánh vớt ra có màu trắng phớt xanh với mùi nhân thịt mỡ hạt tiêu thơm phức kích thích vị giác. Bánh Tẻ có thể ăn khi còn nóng hoặc nguội đều rất ngon. Người ta thường ăn bánh tẻ với tương ớt hay nước mắm pha chua ngọt nhưng người Sơn Tây sẽ khuyên ăn bánh nóng chấm nước mắm ớt hạt tiêu mới tuyệt ngon. Hiện nay ở Sơn Tây có rất nhiều cơ sở làm bánh tẻ nổi tiếng với hương vị ngon dễ gây thương nhớ. Từ món quà quê thân thuộc những chiếc bánh tẻ Bắc Bộ bình dị này đã thành một trong những đặc sản tiêu biểu. Giờ khi rời Đường Lâm hay Chùa Mía, ... du khách ai cũng mang theo một túi bánh tẻ nóng hổi về nhà.
Thực hiện: Việt Cường