ASEAN nâng tầm quan hệ với các đối tác

ASEAN nâng tầm quan hệ với các đối tác

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và hội nghị cấp cao liên quan, trong đó có các Hội nghị ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Australia, Liên hợp quốc... đã khép lại với việc đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nội khối cũng như với các đối tác, đánh dấu một năm thành công của ASEAN trên tinh thần “ASEAN hành động - Cùng giải quyết các thách thức”.

Cụ thể, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, lãnh đạo các nước ASEAN tập trung trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và tự cường. Còn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41, trọng tâm thảo luận tập trung vào quan hệ đối ngoại của ASEAN, cấu trúc khu vực và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, qua đó, khẳng định vai trò và trách nhiệm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực.


Hội nghị lần này thể hiện rõ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong bối cảnh phức tạp và bất ổn hiện nay, các nước đều khẳng định ASEAN đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì đà hợp tác, thúc đẩy phục hồi bền vững một cách hiệu quả. Trong khi bức tranh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều mảng xám, Đông Nam Á thực sự là điểm sáng với dự báo tăng trưởng đạt 5,3% trong 2022. Nối lại giao thương, mở cửa kinh tế, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do là những ưu tiên tất cả các nước đề cập trong nỗ lực chung về phục hồi sau đại dịch.

Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục là ưu tiên của các nước, nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác, với trụ cột chính trị - an ninh ghi nhận tỷ lệ triển khai đạt 98%. Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua quyết định về triển khai Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar và Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN.

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Lãnh đạo các đối tác chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

 Trong quan hệ với các đối tác cũng ghi nhận những tiến triển cụ thể, thực chất. Đây là lần đầu tiên các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các đối tác tổ chức trực tiếp sau gần ba năm gián đoạn do dịch bệnh; những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của hầu hết các đối tác đều tham dự, một mặt cho thấy mong muốn và quyết tâm của các nước nối lại trao đổi trực tiếp cao nhất, mặt khác cho thấy sự quan tâm và coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ 2. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

      Đáng chú ý, Lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ và ASEAN - Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada, ghi nhận đề nghị của Hàn Quốc và Nhật Bản nâng cấp quan hệ với ASEAN. Một số đối tác cũng bày tỏ mong muốn tổ chức các Hội nghị Cấp cao kỷ niệm với ASEAN như kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản trong năm 2023 và 50 năm ASEAN - Australia trong năm 2024.

Gần 98% các sáng kiến trong Khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN được đưa vào triển khai trên cả 05 trụ cột về củng cố hệ thống y tế, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đã giải ngân hơn 10 triệu USD mua vaccine phòng COVID-19 và sắp tới sẽ tiếp tục giải ngân 7 triệu USD mua vaccine đậu mùa khỉ.

Hơn 100 văn kiện về nhiều nội dung quan trọng được ký kết tại Hội nghị, trong đó đáng chú ý là Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN; Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN “Cùng ứng phó thách thức”; phê duyệt khung khổ hợp tác với một số đối tác đối thoại; Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)…

Khởi động cho năm ASEAN 2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhận chiếc búa Chủ tịch luân phiên và thông báo chủ đề “ASEAN Tầm vóc- Tâm điểm của tăng trưởng” , nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, củng cố đoàn kết cũng như phát huy vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực và toàn cầu./.

Bài: VNP - Ảnh: TTXVN


Top