ASEAN chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

ASEAN chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Đứng trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển của Cộng đồng, ASEAN từ lâu đã thiết lập các khuôn khổ và chương trình hành động chống biến đổi khí hậu. Hiện nay 10 nước Đông Nam Á đều tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Lực lượng cứu hộ đưa em bé khỏi vùng ngập lụt tại Hulu Langat, Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Đông Nam Á là khu vực trọng điểm của hành động khí hậu. Tỷ lệ phát thải của khu vực chiếm khoảng 3% so với toàn cầu, nhưng có thể đạt 5% vào năm 2030. Mặc dù tỷ lệ phát thải carbon nhỏ, song khu vực này chịu nhiều tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Các quốc gia trong khu vực như Myanmar, Philippines, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về số người chết do thảm họa khí hậu trong hai thập kỷ qua. Một số khu vực của Đông Nam Á, đặc biệt là các khu vực đô thị nằm dọc theo các bờ biển đã hứng chịu tình trạng nước biển dâng. 


Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã liệt kê 19 thành phố Đông Nam Á trong số 25 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng, trong đó có tới 7 thành phố ở Philippines. Các nghiên cứu cũng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế của khu vực là rất lớn. ADB dự đoán rằng Đông Nam Á sẽ giảm 11% tổng GDP vào năm 2100.

ASEAN ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng các sáng kiến phòng chống biến đổi khí hậu trong nội khối như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nông nghiệp và an ninh lương thực, bảo vệ rừng và sử dụng đất, quản lý rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, và nhiều lĩnh vực khác…

Cảnh tàn phá do bão Rai ở tỉnh Surigao del Norte, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

ASEAN đã đưa ra một mục tiêu rõ ràng hơn trong văn bản hướng dẫn gần đây nhất. Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2016-2025 đề ra mục tiêu 23% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2021. ASEAN cũng cam kết giảm 30% cường độ sử dụng năng lượng vào năm 2025 dựa trên mức năm 2005.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang tác động tới lĩnh vực nông nghiệp, nhân tố kinh tế chủ đạo của Đông Nam Á. Vựa lúa ở đồng bằng sông Mekong  được dự báo sẽ giảm từ 6-12% và sản lượng vụ mùa sẽ giảm từ 3-26% trong năm 2050.Tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, biến đổi khí hậu có thể khiến sản lượng lúa gạo giảm tới 50%.


Dự án đầu tư hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 khi đưa vào vận hành đã tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên,
nguồn nước và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho khu vực rộng khoảng 10.300 ha thuộc huyện Châu Thành
và khoảng 110.000 ha thuộc các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau Australia, Nhật Bản
khi đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Ảnh: TTXVN

“Nông dân trên khắp Đông Nam Á đang phải đối mặt với ngày càng nhiều những thách thức nghiêm trọng, những thách thức này đe dọa đến sinh kế của họ”, TS Tan Siang Hee, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội CropLife Châu Á nhận định.

Ví như mới đây, Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, ước tính tổn thất về nông nghiệp của nước này trong siêu bão Noru, có tên địa phương là Karding, là 1,29 tỷ peso (21,9 triệu USD). Bão Noru đã ảnh hưởng đến hơn 141.312 ha đất nông nghiệp, gây thiệt hại cho 82.158 nông dân và ngư dân. Chính phủ Philippines cũng thừa nhận cơn siêu bão đã khiến lượng lớn lúa, gạo (khoảng 90% trong tổng số 72.231 tấn nông sản) thất thoát. Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Thiên văn và Địa vật lý Khí quyển Philippines con bão này khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, hơn 74.000 người đã phải sơ tán khỏi nhà trước khi cơn bão đổ bộ.

Việt Nam đang thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Ảnh: TTXVN

Tại Việt Nam, để ứng phó cơn bão được đánh giá là mạnh nhất 20 năm qua này, các tỉnh từ Quảng Bình tới Bình Thuận đã rà soát và sơ tán 868.230 dân. Các địa phương cũng tổ chức kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu với 300.000 lao động trú bão. Những thiệt hại mà cơn bão gây ra đã được giảm thiểu do lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương luôn xác định phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân. Bên cạnh đó đã phát huy tốt vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống lụt bão.

Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, không một quốc gia hay một tổ chức nào có thể hành động riêng lẻ, ASEAN những năm qua không ngừng gia tăng hợp tác với các quốc gia đối tác và các tổ chức quốc tế. Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu với các quốc gia đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia,… thông qua các cơ chế hợp tác những năm qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan./.

Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN


Top