Am CàKê - không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ giữa lòng Hà Nội

Am CàKê - không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ giữa lòng Hà Nội

Lily Hoàng giới thiệu không gian trải nghiệm tại không gian Am CàKê tới du khách. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam

Nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Lạc Long Quân (Hà Nội), Am CàKê được cô gái Lily Hoàng thiết kế với không gian mang đậm nét làng quê Bắc Bộ với mong muốn để nhiều người tìm được kỷ niệm tuổi thơ cũng như hiểu hơn về văn hóa mộc mạc và giàu tình người của Bắc Bộ xưa.

Lily Hoàng cho biết cô đã có một khoảng thời gian dài làm về guốc mộc và áo dài nên khi làm lại tìm hiểu được nhiều về văn hóa Bắc Bộ Việt Nam. Cùng với việc là người gốc miền Bắc và càng lớn lại càng hoài niệm những điều lúc tuổi thơ đã được trải qua nên Lily Hoàng đã nghĩ và thực hiện không gian Am CàKê trong vòng 2 tháng. Chị cũng chia sẻ thêm việc thiết kế không gian Am CàKê được thực hiện với giá trị cốt lõi là tái sinh tái chế, vận dụng kiến thức tìm hiểu về tinh hoa của Bắc Bộ. Tất cả đều trên tiêu chí sống xanh, không xây dựng thêm bằng bê tông cốt thép mà chỉ tận dụng những gì có sẵn để tạo sự thân thiện cho mọi người khi đến trải nghiệm.

Am CàKê nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Lạc Long Quân đón khách đến trải nghiệm văn hóa Bắc Bộ xưa. 
Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam

Lily Hoàng đặt tên là Am CàKê bởi nó khá gần gũi và thể hiện được tình làng nghĩa xóm ở làng quê Bắc Bộ xưa, khi các bà các mẹ lúc rảnh rỗi thường ngồi cà kê trò chuyện dông dài.

Không gian Am CàKê được thiết kế gồm gian bếp với bếp củi, chiếc chạn bát cùng những dụng cụ như dao, liềm để đi làm ruộng của người nông dân Bắc Bộ xưa. Đến gian nhà tiếp khách với bộ bàn ghế gỗ xưa cùng bộ ấm chén để có thể ngồi cà kê trò chuyện dông dài. Ngoài ra không gian còn được thiết kế giống bức họa đồng quê với những chiếc quang gánh, nón của người nông dân dùng đi ra đồng ruộng khi đi lao động ngày mùa có thể về nghỉ ngơi và uống trà ở tiệm tạp hóa dưới gốc cây đa.

Am CàKê đem đến cho người đến trải nghiệm nhớ về không gian cuộc sống xưa nhờ việc bày trí bằng các vật dụng được sử dụng nhiều trong ngôi nhà Bắc Bộ ngày trước. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Du khách trải nghiệm cách tiêm trầu. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam

Lily Hoàng chia sẻ: “Những vật dụng được bày trí ở Am CàKê đều của gia đình em giữ lại từ ngày xưa từ thời ông bà đến thời bố mẹ em. Khi trước về quê em đều dặn mẹ em giữ lại cho mình, mặc dù lúc đó chưa có ý tưởng làm không gian Am CàKê. Vì thế nên khi có ý tưởng làm em có thể thực hiện trong 2 tháng là có thể xong thiết kế và bày trí không gian này.”.

Khi bước chân vào đến cửa Am CàKê, du khách đã thấy mở ra một không gian đậm chất Bắc Bộ. Ngay từ cửa vào du khách đã có thể hái lá vối rồi đem dùng gáo dừa múc nước ở chum nước để rửa và đem pha trà vừa uống vừa ngồi trò chuyện ở bộ bàn ghế ở gian tiếp khách. Với văn hóa của người Bắc Bộ xưa miếng trầu là đầu câu chuyện nên khi đến Am CàKê du khách còn được trải nghiệm tiêm trầu và ăn trầu.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm guốc mộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Du khách trải nghiệm cách làm guốc mộc ở Am CàKê.

Lần đầu tiên được trải nghiệm cách tiêm trầu, bạn Nguyễn Thị Loan chia sẻ: “Ngày bé em hay nhìn bà em làm nhưng cũng lâu rồi nên cũng không nhớ, đến đây được trải nghiệm cách làm em thấy khá thú vị. Không gian của Am CàKê khá gần gũi, mộc mạc khiến em nhớ về những ký ức ngày còn bé khi còn sống ở quê với bố mẹ.”.

Là người yêu những đôi guốc mộc xưa và cũng mong muốn nhiều người hiểu hơn về sản phẩm Việt này hơn, Lily Hoàng sẽ giới thiệu về sản phẩm này và sau đó du khách sẽ được hướng dẫn công đoạn để làm những chiếc guốc với nhiều sắc màu khác nhau. Đặc biệt, Am CàKê còn tái hiện nét văn hóa truyền thống Việt Nam bằng việc tổ chức hoạt động khá thú vị cho du khách mặc bộ đồ giống người nông dân xưa và nhảy sạp với guốc mộc.

Du khách được trải nghiệm mặc đồ của người nông dân Bắc Bộ xưa và nhảy sạp bằng guốc mộc.- Ảnh: Tư liệu

Lily Hoàng chia sẻ: “Giá trị cốt lõi em muốn đưa tới mọi người khi đến trải nghiệm chính là lan tỏa vẻ đẹp guốc mộc trong hành trình văn hóa của dân tộc để nhiều người biết và gìn giữ nét đẹp đặc trưng của Việt Nam. Mới đây, Am CàKê cũng vừa đón tiếp các du học sinh là người nước Pháp, New Zealand, Malaysia và Hong Kong đến trải nghiệm và các bạn thấy khá thú vị khi tự tay làm rồi được cầm chính sản phẩm mình làm về để sử dụng”./. 

  • Bài: Ngân Hà/Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu NVCC

 




Top