50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bỉ: Nền tảng vững chắc, đối tác chân thành
50 năm qua, quan hệ hai nước Việt Nam - Bỉ đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, từ chính trị, ngoại giao cho đến quan hệ về kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Ngày 22/3/1973, Vương quốc Bỉ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên sớm công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Trong 50 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được tăng cường, củng cố, phát triển sâu sắc và đa dạng, cả về số lượng và chất lượng, về chiều rộng cũng như chiều sâu, về song phương cũng như trên bình diện đa phương để tạo nên nền tảng vững chắc, bền chặt cho một quan hệ đối tác chân thành và lâu dài trên cơ sở hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Đáng chú ý, từ năm 2018, Việt Nam và Bỉ đã trở thành đối tác chiến lược trong hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp - một mốc mới quan trọng quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong 50 năm qua quan hệ hai nước đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, từ chính trị, ngoại giao cho đến quan hệ về kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân. Về quan hệ chính trị và đối ngoại, Việt Nam và Bỉ có quan hệ lâu đời. Việt Nam và Bỉ cùng là thành viên của Francophonie - tổ chức các nước nói tiếng Pháp và chúng ta có những điểm tương đồng về văn hóa. Do vậy, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước có nhiều thuận lợi. Trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam và Bỉ thường xuyên diễn ra. Về kinh tế, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bỉ đã đạt trên 6 tỷ euro, đạt mức tăng trưởng 60 % so với mức 3,9 tỷ euro năm 2021. Tuy nhiên, tiềm năng để có thể thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ còn rất lớn trên rất nhiều lĩnh vực.
Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Hiện Bỉ có 82 dự án, tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với một số dự án tiêu biểu như Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Khu công nghiệp Cảng quốc tế Hải Phòng...
Bỉ cũng là nhà tài trợ ODA cho Việt Nam từ năm 1977, lên tới 20-25 triệu euro/năm. Hiện Bỉ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đại học, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân... Gần 5.000 sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Vương quốc Bỉ.
Về hợp tác đa phương, hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực, quốc tế, như Liên hợp quốc, Francophonie, ASEM...
Hai nước cùng đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Ủy viên Hội đồng nhân quyền 2023-2024 và đã hợp tác rất chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin.
Trong thời gian tới, Việt Nam và Bỉ cùng tận dụng cơ hội để phát huy tiềm năng hợp tác, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, cũng như tăng cường sự giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam – Bỉ, vì hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
Bài: VNP Ảnh: TTXVN