30 năm - di sản Huế được trao truyền bền vững
Tối 17/6, tại quảng trường Ngọ Môn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố Đô Huế và 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam (thường gọi là Nhã nhạc Cung đình Huế) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Chương trình là dịp để Thừa Thiên Huế nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô. Tại lễ kỉ niệm, các đại biểu, du khách và hàng nghìn người dân đã được theo dõi một chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Di sản Cố đô – Kí ức và Trao truyền” với sự tham gia của 09 đoàn nghệ thuật, gần 450 nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Cách đây 30 năm, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa Thế giới; 10 năm sau Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh, mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới; khẳng định với thế giới rằng văn hoá Việt Nam là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá.
Từ đó đến nay Thừa Thiên Huế đã phục hồi, trùng tu tôn tạo thành công hàng trăm công trình di tích, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống bền bỉ, trường tồn với thời gian để có thể trao truyền bền vững cho hậu thế.
Nhận xét về công tác bảo tồn các di sản thế giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đánh giá rất cao: "Sau 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu di sản thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể Di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực".
Ngày nay, di sản Huế có tầm vóc, giá trị và động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ năm 2000 đến nay, nhờ có các di sản văn hóa độc đáo Huế đã tổ chức rất thành công các kì Festival Huế, và cũng từ Festival Huế các di sản văn hóa Huế lại tiếp tục được giới thiệu, quảng bá rộng rãi ra thế giới, ngày càng được nhiều người biết đến.
Hiện Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh là: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - di sản tư liệu). Ngoài ra còn hai di sản chung với các địa phương khác là Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016) và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (2017).
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Di sản Huế là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan toả các giá trị biểu trưng của di sản vùng đất Cố đô Huế. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế".
Nhân dịp này, Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế danh hiệu Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua./.
Bài, ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam