“Tinh hoa Việt Nam” trên ngọc

“Tinh hoa Việt Nam” trên ngọc

Nhà sưu tập ngọc, Hồng Trang (Hà Nội) có một tình yêu kỳ lạ với ngọc. Cô đã gắn bó với thú sưu tập ngọc hơn 15 năm. Từ sưu tập ngọc, Hồng Trang đã miệt mài làm phụ kiện để trang trí ngọc thành những trang sức làm đẹp cho mọi người. Những năm gần đây cô đã dày công nghiên cứu sưu tầm và tập hợp hàng ngàn mẫu ngọc với chủ đề “Tinh hoa Việt Nam trên ngọc”.

Để có được những sản phẩm ngọc quý, Hồng Trang đã phải kết nối với nhiều nhà sưu tập, nghệ nhân từ nước ngoài
để có thể sở hữu được những sản phẩm ngọc độc đáo.

Hồng Trang bén duyên với ngọc từ năm 18 tuổi, khi cô được bà ngoại tặng lại chiếc vòng tay đầu tiên. Kể từ đó, kiến thức về ngọc của cô dần được tích luỹ. Cô bắt đầu học hỏi những người có cùng đam mê, sở thích với mình về nguồn gốc của ngọc, và về lợi ích của con người khi sử dụng ngọc làm đồ trang sức.

Với kinh nghiệm nhiều năm tìm tòi, khám phá, Hồng Trang đã đã kết nối với nhiều nhà sưu tập, các nghệ nhân từ Myanmar- nơi có những mỏ ngọc nổi tiếng. Với lịch sử lâu đời đi liền cùng nhiều giá trị truyền thống. Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử - ngọc của Myanmar vẫn luôn được giới thượng lưu săn đón rất nhiều. Hồng Trang cũng không nằm ngoài điều này. Cô đã thành công trong việc chuyển tải “Tinh hoa đất Việt ’’ thổi hồn vào từng sản phẩm trên ngọc bằng cách chạm khắc lên ngọc hình ảnh về giá trị Việt và quảng bá giá trị văn hóa vật thể của Việt Nam đến tất cả những người yêu ngọc, để giới thiệu Việt Nam dưới 1 cách nhân văn, hiện đại nhưng vẫn mang mầu sắc truyền thống qua các câu chuyện về Ngọc. Từ đó, những người yêu Ngọc, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, có cái nhìn gần gũi và hiện đại hơn với Ngọc.


Nổi bật trong bộ sưu tập của cô là “Hoa Sen” - loài hoa là quốc hoa của Việt Nam. Cô và những người thợ chạm khắc tài ba đã thành công khi đem những bông Sen ngọc đến tận tay của người bạn quốc tế - bà Camille Lavirotte (người Pháp). Qua bộ sưu tập của mình, cô đã giới thiệu cho bà Lavirotte biết về quốc hoa của Việt Nam, hay qua mặt dây black-jade được chạm khắc tinh tế hình Bồ Tát để giới thiệu về niềm tin của người Việt vào những điều thánh thiện, hay qua hình chạm ông rồng tiêu biểu đời nhà Lý để kể về lịch sử Việt. Bà Lavirotte đã đặc biệt thích thú khi được nghe những câu chuyện, những triết lý nhân sinh ẩn ý phía sau từng sản phẩm làm từ ngọc.

Cô cũng từng tiếp đón vị khách người Đan Mạch - ông Erich Muller và giải thích cho ông về ý nghĩa của chiếc khấu ngọc bình an, vốn được lấy cảm hứng từ những đồng tiền cổ Việt Nam, hay hình tượng tháp chín tầng bằng ngọc, lấy cảm hứng từ Tháp Bút cạnh Đền Ngọc Sơn...


Với vô vàn mẫu trang sức được làm từ ngọc, cô cũng kết hợp tết dây làm vòng tay, vòng cổ, hoa tai, trâm cài tóc,… để bộ sưu tập của mình ngày càng phong phú. Những chiếc vòng ngọc được chạm hình rồng phượng bọc vàng, bọc bạc hình hoa sen, hoa mẫu  đơn, những mặt dây chuyền được chạm hình cây nấm, những bông tai ngọc được phóng tác theo nguyên mẫu bánh chưng cổ truyền ngày Tết, tất cả đều được các nghệ nhân đặt hết tâm huyết vào từng nét chạm tinh tế và tỉ mỉ đến từng chi tiết

Hồng Trang chia sẻ rằng: dân gian các cụ có câu “Gia hữu ngọc tất hưng - Nhân hữu ngọc tất vượng”. Vì vậy cô luôn cố gắng để bộ sưu tập của mình ngày càng thuần phác hồn Việt, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam với những người bạn trong và ngoài nước và với cả những người có cùng sở thích trong sưu tập ngọc nói riêng và trong văn hóa vật thể nói chung.





Hàng ngày, Hồng Trang vẫn miệt mài sưu tập và thiết kế ra các mẫu ngọc để làm cho phòng trưng bày ngọc của mình ngày một phong phú hơn. Cô cũng nói sắp tới sẽ tổ chức các buổi giao lưu về ngọc để những người yêu ngọc cùng trò chuyện về ngọc như một tác phẩm nghệ thuật gắn liền với cuộc sống mỗi người. Theo đó, Hồng Trang cũng sẽ thiết kế nhiều bộ sưu tập ngọc hơn thể hiện ước mơ, khát vọng của người Việt trẻ trên hành trình khởi nghiệp./.

                                                                                        Bài: Bích Vân  Ảnh: Khánh Long

 


Top