Tin tức

Xây dựng Ninh Thuận thành vùng lõi về phát triển năng lượng tái tạo của cả nước

UBND tỉnh đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, với tổng công suất 8.181 MW.
 Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) được triển khai nhanh nhờ sự hỗ trợ lớn của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hưng-TTXVN
"Trên địa bàn huyện có hơn 10 dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió đã, đang và sẽ được triển khai; trong đó có 3 dự án đã đi vào vận hành thương mại là Dự án Điện mặt trời và Điện gió của Tập đoàn Trung Nam, Dự án Điện mặt trời Xuân Thiện và Dự án Điện gió Đầm Nại. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai". 
Ông Phạm Trọng Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc
Ở Việt Nam, Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa trong năm thấp nhất cả nước, nổi tiếng là nơi nhiều nắng, nhiều gió, rất thuận lợi để phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Đề cập về tiềm năng dồi dào cho phát triển năng lượng tái tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nêu các dữ liệu cụ thể, thuyết phục Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 - 500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12 m).

Đặc biệt, trên địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho tuabin gió phát điện. Đây chính là lợi thế căn bản để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh năng lượng điện gió.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, Ninh Thuận có tới 5 khu vực được quy hoạch, với tổng công suất dự kiến 1.429 MW và có thể phát triển lên 2.000 MW nếu đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Vừa qua, tỉnh đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định Quy hoạch Phát triển điện gió ven biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích hợp vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất 4.380MW trên 3 vùng.

Trong khi đó, đối với tiềm năng phát triển điện mặt trời, Ninh Thuận là địa phương có cường độ bức xạ lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn, tới trên 230 kcal/cm2; trong đó tháng ít nhất cũng đạt khoảng 14 kcal/cm2. Các số liệu quan trắc đã cho thấy, tại Ninh Thuận, số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600 - 2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Số tháng nắng trong năm là 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). Vì vậy, đây là địa phương được đánh giá có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước./.
 
VNP/TTXVN

 


Top