Tin tức

Xây dựng cơ chế đột phá cần phải trong thể thống nhất cả nước

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chiều 9/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các vấn đề phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ chế, chính sách đột phá.”

Đây là một trong những nội dung diễn ra trong khuôn khổ thực hiện Đề án "Cơ chế chính sách đột phá để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị."

Theo ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố xây dựng Đề án trong bối cảnh đất nước đang tái cơ cấu nền kinh tế; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì dân hành động; sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do vậy, nội dung Đề án phải thể hiện rõ thành phố có sự đột phá mới, đủ tầm, đủ mạnh để có thể phát triển nhanh hơn trong xu thế hội nhập mạnh mẽ với các nước trong khu vực.

“Việc xây dựng Đề án phải nằm trong tổng thể liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh không thể phát triển một mình, còn các tỉnh trong khu vực lại không phát triển; đồng thời cơ chế đột phá của thành phố phải nằm trong cơ chế thống nhất của cả nước. Các đề xuất đưa ra phải có cơ sở pháp lý vững chắc, giải pháp bài bản, có hệ thống, bám sát nội dung đã nêu rõ trong Nghị quyết 16.

Bên cạnh đó, các giải pháp đề xuất cần cân nhắc đến các tác động có thể có trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, lường trước các biến động, xáo trộn nếu triển khai thực hiện,” Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Là một trong những thành viên chính tham gia soạn thảo Đề án, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, một siêu đô thị, được xác định là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, đặt trong tương quan so sánh quốc tế và yêu cầu phát triển trong môi trường hội nhập quốc tế thì Thành phố vẫn chưa phát triển đúng tầm, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế; tự Thành phố cũng bị tụt hậu phát triển so với nhiều thành phố khác trong khu vực.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, sự phát triển của Thành phố đang đối mặt với nhiều điểm tắc nghẽn lớn và những khó khăn rất đặc thù - ách tắc giao thông, ngập nước, “quá tải” dân số đô thị và chất lượng nguồn nhân lực, ngân sách thu hẹp, năng lực bộ máy chính quyền, các yếu tố tạo sức mạnh “đầu tàu” hiện đại. Trong khi đó, nhiều lợi thế phát triển to lớn của thành phố như vốn, nhân lực, vị thế địa chiến lược, văn hóa... chưa được phát huy, thậm chí còn bị lãng phí.

Vì những trở ngại đó, Thành phố đã không thể giải quyết các vấn đề phát triển đô thị của mình, cũng như đã không thể hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh “đầu tàu phát triển,” tức là chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công cuộc phát triển của cả nước. Đây là điểm cần được nhấn mạnh để có một cách tiếp cận đúng đắn, không thiên lệch và có trách nhiệm đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số chuyên gia cũng cho rằng để tạo cơ chế đột phá, Thành phố cần rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng đột phá, thay đổi mô hình tăng trưởng của các lĩnh vực ưu tiên và đảm bảo tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế; rà soát và điều chỉnh quy hoạch phân bố không gian của thành phố nằm trong mối liên kết với vùng thành phố, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và xây dựng cho được Đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể đột phá nếu như Trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và thành phố thiết lập được cơ chế hợp tác, liên kết vùng hiệu quả.

Trong trường hợp không cải cách được toàn diện, nên tận dụng triệt để dư địa chính sách, đồng hành với doanh nghiệp, thử nghiệm chọn lọc một số cải cách đột phá và đề nghị Trung ương công bằng hơn về thu, chi ngân sách./.
 
Nguồn: vietnam+

Đa dạng các sản phẩm du lịch trong năm 2024

Đa dạng các sản phẩm du lịch trong năm 2024

Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình phấn đấu đón 4,5 – 5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 5.600 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các điểm đến, đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.

Top