Kinh tế

VSIP Bắc Ninh và chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài

Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bắc Ninh (VSIP Bắc Ninh) đang được phát triển thành một khu công nghiệp chất lượng cao lớn nhất Việt Nam. Trọng tâm của VSIP là thu hút những ngành công nghiệp kỹ thuật cao như điện tử, cơ khí, ô tô… ước tính thu hút khoảng 200 nhà đầu tư khi phát triển toàn diện.
VSIP Bắc Ninh khởi công vào năm 2007, có tổng diện tích khoảng 700 ha, trong đó diện tích khu công nghiệp là 500 ha, diện tích khu đô thị và dịch vụ là 200 ha. Với vốn đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD và thu hút khoảng 50 nghìn lao động.

Hiện VSIP Bắc Ninh đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đang trong quá trình hoàn thiện giai đoạn 2. KCN đã thu hút 51 nhà đầu tư quốc tế đến từ các quốc gia Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ. Trong đó có những tên tuổi lớn như: Microsoft, Suntrory PepsiCo, Foster, Mapletree, Nittan,… thu hút khoảng 20.000 lao động, chiếm 18% tổng vốn FDI toàn tỉnh Bắc Ninh. Khách hàng của VSIP Bắc Ninh đến từ 23 quốc gia trên thế giới.

Còn nhớ, tại Lễ động thổ VSIP Bắc Ninh vào năm 2007, Bộ trưởng cao cấp Singapore ông Goh Chok Tong phát biểu rằng: “VSIP Bắc Ninh không chỉ là khu công nghiệp theo tiêu chuẩn và mô hình mẫu của Singapore mà còn kết hợp cả khu đô thị hoá và phát triển của Việt Nam, góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hoá và phát triển của Việt Nam”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh: “VSIP Bắc Ninh là biểu tượng hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore”.


Mô hình dự án thành phố thương mại Á Châu
của Công ty TNHH Phát triển Thành phố Thương mại Á Châu (ATC) đang đầu tư xây dựng tại VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Thông Hải



Nhà máy sản xuất điện thoại của Tập đoàn Microsoft ở khu Công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Tư liệu


Nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động tại VSIP Bắc Ninh tiếp tục đầu tư vốn mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Thông Hải


Công ty TNHH Dearm Tech tại VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Thông Hải


Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty Nittan Việt Nam ở VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Thông Hải


Hệ thống điện trong khu công nghiệp đảm bảo cho sản xuất của các nhà máy. Ảnh: Thông Hải


Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy Microsoft ở VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Tư liệu

VSIP Bắc Ninh được xây dựng thành một hệ thống hạ tầng khép kín gồm điện, nước, nhà máy xử lý nước thải và viễn thông. Trong KCN có các dịch vụ tiện ích như ngân hàng, nhà hàng, hệ thống lưới điện 22kv phủ khắp, 2 nhà máy cấp nước công suất 10.000m3/ngày phục vụ cho toàn bộ các doanh nghiệp FDI đang sản xuất.

Trong năm 2014 này, Công ty TNHH Nittan Việt Nam (liên doanh Thái Lan- Nhật Bản) bắt đầu sản xuất tại VSIP. Công ty chuyên về sản xuất các van động cơ xe máy. Với kích cỡ nhỏ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, sản phẩm của Nittan Việt Nam được đánh giá cao. Sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại cùng đội ngũ nhân viên giỏi, Công ty đã cung ứng nhiều sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy như Honda, Yamaha. Ông Somkuan Inthiravoranon, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Nittan Việt Nam cho biết: "Nittan Việt Nam đang vận động nhịp nhàng với những sản phẩm thế mạnh là van động cơ. Chúng tôi sẽ nỗ lực để chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam".

Ngoài các đơn vị sản xuất công nghiệp, VSIP cũng có những đơn vị thương mại đang xúc tiến đầu tư như Công ty TNHH Phát triển Thành phố Thương mại Á Châu (ATC) của Singapore. Hiện tại ATC đang triển khai xây dựng thành phố thương mại trong VSIP, là cầu nối cho các đơn vị quốc tế đến tìm kiếm thị trường và đầu tư tại Việt Nam.

Ông Huỳnh Quang Hải, Tổng Giám đốc VSIP Bắc Ninh cho biết, môi trường đầu tư tại VSIP theo cơ chế một cửa, Ban quản lý cấp phép ngay tại chỗ cho nhà đầu tư; hoạt động cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh; hải quan tại VSIP giúp doanh nghiệp tiến hành nhanh các thủ tục xuất nhập khẩu…

Điều tra triển vọng đầu tư thế giới WIPS 2010-2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI, và là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với những nỗ lực tích cực, VSIP Bắc Ninh hứa hẹn sẽ là địa chỉ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp FDI yên tâm sản xuất và tạo dựng thương hiệu tại Việt Nam nói riêng và trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung./.

VSIP được hình thành dựa trên nền tảng tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu tiên đề xướng đến Thủ tướng Goh Chok Tong vào tháng 3 năm 1994.

Việt Nam hiện có 05 khu VSIP, gồm: Bình Dương (02), Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ngãi. Đến nay, VSIP đã thu hút gần 500 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,4 tỷ đô la Mỹ và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ đô la Mỹ, tạo ra 140.000 việc làm cho người lao động.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Thông Hải

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top