Tin tức

Vốn đăng ký các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,5%


Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử gia dụng tại công ty LG Electronics Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến ngày 20/1, cả nước có 175 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 1 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, có 76 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là hơn 179 triệu USD, bằng trên 55% so với cùng kỳ năm trước và 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 165 triệu USD.

Như vậy, tính chung trong tháng Một, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là gần 1,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tính đến ngày 20/1, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 850 triệu USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong tháng Một đạt trên 10 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là trên 1 tỷ USD, chiếm đến hơn 65% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng Một. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là gần 315 triệu USD, chiếm xấp xỉ 20% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 89 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Singapore đang đứng vị trí thứ nhất trong tổng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là gần 478 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 471 triệu USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 338 triệu USD, chiếm hơn 21% tổng vốn đầu tư.

Trong tháng Một, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 37 tỉnh thành phố; trong đó, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là hơn 696 triệu USD, chiếm gần 44% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là trên 201 triệu USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư. Bắc Giang đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký là hơn 159 triệu USD chiếm 10% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp phép trong tháng Một là dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư gần 285 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Kolon Industries Inc đầu tư tại Bình Dương. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang…/.
 
TTXVN/VNP

Đa dạng các sản phẩm du lịch trong năm 2024

Đa dạng các sản phẩm du lịch trong năm 2024

Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình phấn đấu đón 4,5 – 5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 5.600 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các điểm đến, đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.

Top