Kinh tế

Việt Nam ứng phó với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Nếu EVFTA được ví là tuyến đường cao tốc Việt Nam với EU thì những quy tắc nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa được xem như những tấm vé lưu hành.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA.

Thực tế, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao. Chẳng hạn đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU thì cũng rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng (chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác).
Một ví dụ khác, vào tháng 10/2017, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Nếu không cải thiện, nguy cơ sẽ bị giơ “thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.

Hiệp định thương mại EVFTA quy định các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất: “Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…”.



Dây chuyển chế biến xoài xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Kẹo dừa Hoàng Yến xuất khẩu đi Châu Âu và Mỹ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu vùng dừa tỉnh Bến Tre. Ảnh: VNP


Dây chuyền chế biến cá ba sa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN


Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2018 tăng khá mạnh,
tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, đạt 8,909 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017. Ảnh: VNP


Thương hiệu Kimmy’s Chocolate được lấy nguyên liệu từ vùng trồng ca cao của Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VNP


“K’Ho Coffee” là thương hiệu cà phê do cặp vợ chồng Joshua (người Mỹ) và Cơ Liêng Rolan (dân tộc K’Ho, Lâm Đồng)
gây dựng đã trở thành đại diện cho hương vị cà phê của cao nguyên LangBiang. Ảnh: VNP

Trên cơ sở đó, mới đây Bộ Công thương xây dựng dự thảo xuất xứ hàng hóa có 4 chương, 16 điều, được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có nghị định số 31/2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam khi có xuất xứ thuần túy (WO) hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Đại diện cho khái niệm này chủ yếu là các mặt hàng được gieo trồng và thu hoạch tất tần tật tại Việt Nam, chẳng hạn như trong lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Quy định của thông tư cho phép tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "sản phẩm của Việt Nam" hoặc "sản phẩm Việt Nam"; "hàng hóa của Việt Nam" hoặc "hàng hóa Việt Nam", hoặc "hàng Việt Nam"; "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất"; "chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác"... để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa, hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết toàn ngành tài chính 6 tháng đầu năm diễn ra sáng vào trung tần tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Phó thủ tướng cho rằng đang xảy ra hiện tượng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam rồi trà trộn, làm giả hàng sản xuất trong nước để xuất đi các quốc gia khác lấy ưu đãi thuế. Với trường hợp này, Phó thủ tướng khẳng định không được khoan nhượng, đặc biệt là các hình thức đầu tư chui, núp bóng doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) để nhập hàng không rõ nguồn gốc về giả là hàng xuất xứ Việt Nam.

Việt Nam đã nỗ lực bằng các quy tắc, tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ để hàng hóa xuyên suốt trên con đường cao tốc với EU./.

 
Bài: Phong Thu - Ảnh: VNP, TTXVN

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top