Tin tức

Việt Nam tiếp tục đề xuất các định hướng hợp tác trong ASEM

Ảnh minh họa. (Nguồn: asef.org)
Ngày 20/4, Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21” do Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Tại hội nghị này, Việt Nam đã chủ động đóng góp, tham gia đề xuất định hướng hợp tác Á-Âu, góp phần nâng cao vị thế trong Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).

Với tư cách thành viên sáng lập của Diễn đàn, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 năm 2004, 5 hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động, đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực hợp tác như lĩnh vực an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội khoa học-công nghệ, du lịch, văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng.

Đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác ASEM trong thế kỷ 21, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, nguyên Trưởng SOM ASEM Việt Nam cho biết Việt Nam nhận thức Diễn đàn hợp tác Á-Âu là một trong những diễn đàn quan trọng, phát triển trong thế kỷ 21. Việt Nam đề xuất những nội dung cụ thể, cũng như tăng cường đóng góp, thúc đẩy hợp tác trong ASEM.

Đối với hợp tác ASEM với 3 trụ cột: đối thoại chính trị; hợp tác kinh tế; giao lưu nhân dân và văn hóa, Việt Nam có nhiều sáng kiến trong 20 năm qua, trở thành một trong 5 nước có nhiều sáng kiến nhất.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, nguyên Trưởng SOM ASEM Việt Nam cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực lớn, thiết thực đối với nhân dân và cộng đồng ASEM như ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam đã cảm nhận tác động của biến đối khí hậu hàng ngày, nhất là vấn đề hạn hán hiện nay, do đó, nội dung này được Việt Nam đưa ra và đề xuất trong 4 năm qua và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Lĩnh vực thứ hai mà Việt Nam chú trọng đề xuất, đóng góp đó là giao lưu thanh niên và đào tạo nguồn nhân lực. Về giao lưu thanh niên và trụ cột về giao lưu văn hóa con người, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác và có nhiều sáng kiến. Nổi bật là năm 2016, Việt Nam tổ chức Diễn đàn thanh niên ASEM, hội tụ hơn 100 thanh niên của 53 nước thành viên ASEM. Đây là sự hội ngộ không chỉ để bạn bè quốc tế biết về Việt Nam mà còn là dịp để thanh niên Việt Nam biết về các nước Á-Âu, xu thế hội nhập. Việt Nam cũng tập trung đóng góp nhiều về vấn đề đào tạo và đề xuất thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế xanh.

“Tại hội nghị lần này Việt Nam chủ động đóng góp vào hai lĩnh vực mới là công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Công nghệ sáng tạo là xu thế lớn trong thế kỷ 21 và đặc biệt là trong thập kỷ này trở đi. Vì thế những năm tới đòi hỏi chúng ta kịp thời nắm bắt những thời cơ và ứng phó với những thách thức tác động. Đối với nước ta, sáng tạo công nghệ là vấn đề quan trọng. Có thể nói đây là chìa khóa để chúng ta thay đổi và tái cơ cấu nâng cao chất lượng phát triển,” Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh./.
 
TTXVN/VNP

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3

Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024 với các thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe" đã khai mạc tối 17/4, tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

Top