Tin tức

Việt Nam tham gia đồng chủ trì Diễn đàn Đông Á lần thứ 15


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn Đông Á lần thứ 15.
(Ảnh: Vĩnh Hà/TTXVN)
Nhận lời mời của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đã tham gia đồng chủ trì Diễn đàn Đông Á (EAF) lần thứ 15 từ ngày 29/6-1/7 tại Hồ Nam, Trung Quốc với sự tham gia của gần 60 đại biểu từ các cơ quan chính phủ và học giả của 13 nước Đông Á.

Diễn đàn lần này với chủ đề “20 năm hợp tác ASEAN+3: Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á” đã kiểm điểm hợp tác ASEAN+3 trong 20 năm qua, trao đổi về các định hướng thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.

Diễn đàn cũng nhằm trao đổi về việc xây dựng Kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á, và tăng cường năng lực hội nhập khu vực của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs).

Qua trao đổi, các nước nhất trí đánh giá sau 20 năm thành lập, tiến trình hợp tác ASEAN+3 đạt nhiều thành quả tích cực, là một trong những động lực chính thúc đẩy hội nhập khu vực, trong đó có kinh tế-thương mại, đầu tư, tài chính, bảo vệ môi trường, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân.

Riêng về hợp tác kinh tế, trong nhiều năm, tổng kim ngạch thương mại giữa các nước ASEAN+3 luôn duy trì ở mức trên 700 tỷ USD/năm; tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nước cộng 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) vào ASEAN đạt hơn 30 tỷ USD/năm.

Việc triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2013-2017 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực với 475 hoạt động/dự án đã và đang được triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Các nước thành viên hiện đang tích cực soạn thảo Kế hoạch Công tác giai đoạn 2018-2022, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 tháng 11/2017.

Bên cạnh các mặt tích cực, các nước đánh giá hợp tác ASEAN+3 trong thời gian qua còn một số hạn chế, phần nhiều do sự khác biệt trong ưu tiên hợp tác của các nước cũng như phân bổ nguồn lực chưa hợp lý cho việc triển khai các hoạt động/dự án cụ thể. Theo đó, các nước nhất trí định hướng thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong thời gian tới, nhất là tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ chế đã có, ưu tiên tăng cường hợp tác ổn định tài chính, phát triển MSMEs, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối và hội nhập khu vực, sớm hoàn thiện Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 cũng như tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên như chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, già hóa dân số, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phòng chống dịch bệnh...

Tham gia Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã có bài phát biểu khai mạc, trực tiếp điều hành phiên thảo luận đầu tiên về kiểm điểm và định hướng hợp tác ASEAN+3 và phát biểu tổng kết bế mạc Diễn đàn.

Bên cạnh đóng góp ý kiến cho những nội dung nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng ASEAN+3 cần củng cố hiệu quả hoạt động, tạo dựng vị trí vững chắc trong tiến trình hội nhập khu vực nhằm tận dụng hiệu quả các sáng kiến liên kết khu vực như Vành đai và Con đường, Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Đối tác mở rộng về Cơ sở hạ tầng chất lượng cao, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác phát triển, thúc đẩy xây dựng lòng tin, định hình một cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ; khẳng định Diễn đàn Đông Á cần tiến hành kiểm điểm và định hướng hoạt động trong thời gian tới để tiếp tục giữ vai trò là kênh trao đổi giữa các cơ quan chính phủ, giới học giả đề xuất các ý tưởng, sáng kiến tích cực, thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực Đông Á./.
 
TTXVN/VNP


Top