Văn hóa

Vesak 2014 và dấu ấn Việt Nam

Với thông điệp "Phật giáo góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, Đại lễ Vesak 2014 diễn ra tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình từ ngày 6-10/5/2014, với sự tham gia của 600 phái đoàn Phật giáo, cùng hơn 20.000 đại biểu và du khách đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã thành công tốt đẹp.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị, tôn giáo… Đại lễ Vesak 2014 chính thức tuyên bố với thế giới sự gắn bó số phận và sự đồng hành của Phật giáo với toàn nhân loại trong việc tìm giải pháp cho những vấn đề mang tính toàn cầu.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở Mục tiêu về giảm nghèo. Trong sự thành công này của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của hàng triệu tăng ni và Phật tử nước nhà. Đặc biệt, Phật giáo đã phát huy được thế mạnh của mình trong các lĩnh vực từ thiện và nhân đạo, giáo dục đạo đức, lối sống cũng như giải quyết các vấn nạn tiêu cực trong xã hội.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2014.


Thủ tướng Sri Lanka Disanayaka Mudiyanselage Jayaratne phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2014.


Đại lễ Phật đảng Vesak 2014 có sự tham dự của 600 phái đoàn Phật giáo đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.


Hòa thượng Thích Đức Nghiệp và GS.TS Lê Mạnh Thát, đại diện Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh
trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Quốc vương Tooro.


Đại biểu các nước cùng các tăng ni, Phật tử chụp ảnh lưu niệm tại chùa Bái Đính.


Đông đảo Phật tử trong và ngoài nước về dự lễ Đại lễ Vesak 2014 tại Chùa Bái Đính ở Ninh Bình.


Các nhà sư trong và ngoài nước thực hiện nghi lễ Mộc dục (tắm Phật) để cầu may mắn.


Lễ cầu an tại chùa Bái Đính trong Đại lễ Vesak 2014.


Lễ thắp nến cầu cho nhân loại hòa bình và hạnh phúc tại Đại lễ Vesak 2014.


Đoàn nghệ thuật Thái Lan biểu diễn chào mừng Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam.


Các nhà sư trình diễn điệu múa "Lục cúng hoa đăng" tại Đại lễ Vesak 2014.


Nghi thức dâng "Lục cúng" (gồm 6 món: hương, hoa, đăng, trà, quả, nhạc) mang đậm bản sắc Phật giáo của Việt Nam.


Các Phật tử cầu nguyện tại Đại lễ Vesak 2014.


Xe hoa diễu hành chào mừng Đại lễ Vesak 2014.
 
«
      “Sống ở Việt Nam, tôi biết rằng Phật giáo là một trong những nền tảng thực sự của văn hóa dân tộc, truyền thống và đức tin, và là một cội nguồn của các nguyên tắc đạo đức chủ đạo của nhân dân, đó là tình thương, bình đẳng, hòa bình và lòng khoan dung".

(TS. Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam).
                                                            »
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức với quy mô quốc tế, thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trong số nhiều hoạt động tại Vesak 2014, hoạt động Đàn lễ cầu nguyện "Thế giới hòa bình, quốc thái dân an” tại Chùa Bái Đính đã làm xúc động hàng triệu trái tim con người trên toàn thế giới. Hàng vạn người đã hội tụ cầu nguyện cho 5 mục tiêu quan trọng, đó là: mong sao cho thế giới hết xung đột, môi trường được bền vững, con người được ổn định về đời sống vật chất, tăng trưởng về nhận thức giáo dục, thực sự có lối sống văn minh văn hóa. Bên cạnh đó, 5 diễn đàn hội thảo tại Vesak 2014 lần này đã diễn ra rất thành công với nhiều hướng giải quyết phù hợp, góp phần thực hiện các Mục tiêu cấp thiết của thiên niên kỷ.

Cũng tại Đại lễ Vesak 2014, các tăng ni, Phật tử đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã có dịp được trải nghiệm tham quan danh thắng non nước Tràng An, qua đó hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp và khát vọng hòa bình. Trong thông điệp gửi Đại lễ Vesak 2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và mong muốn của quý vị trong việc khám phá những quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, nên trong thời đại ngày nay quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn”.

Tại Lễ bế mạc, Vesak 2014 đã ra “Tuyên bố Ninh Bình 2014”. Tuyên bố nêu rõ: “Mỗi cá nhân và tập thể có nghĩa vụ làm việc không mệt mỏi để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG) và phấn đấu hết sức để tham gia hoạt động xã hội để đạt được thành tựu cho các Mục tiêu và xem đó như là một phần trong niềm tin và sự tu tập”. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ninh Bình 2014 đã nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên. “Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới” – Tuyên bố nêu rõ.
 

Du khách trong và ngoài nước tham quan Khu danh thắng Tràng An – Ninh Bình.


Du khách quốc tế vô cùng thích thú trước cảnh sông núi hữu tình ở Khu danh thắng Tràng An – Ninh Bình.


Khung cảnh hoành tráng và nguy nga của Chùa Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Có thể nói, thành công của Vesak 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đại lễ kết nối thế giới hiểu hơn về Việt Nam, tăng cường phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, vận động để UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thiên nhiên Thế giới./.
 
8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc:

   1. Xóa bỏ nghèo khổ, đói kém và chiến tranh;
   2. Phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em;
   3. Tăng cường bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội;
   4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 
   5. Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ;
   6. Phòng và chống HIV/AIDS,sốt rét và các bệnh khác;
   7. Đảm bảo bền vững môi trường;
   8. Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển.
 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Trịnh Văn Bộ, Văn Quyền

Bài: Bích Vân - Ảnh: Trịnh Bộ, Văn Quyền


Top