Nghệ thuật

“Vân dại” lên giấy dó

Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp l'Espace ở Hà Nội, họa sĩ Lý Trực Sơn có giới thiệu một cuộc triển lãm mang cái tên nghe khá lạ: "Vân dại". Triển lãm kết thúc đã khá lâu nhưng những dư âm vì cái sự vừa mới vừa lạ của nó thì dường như vẫn còn đọng lại khá đậm nét trong tâm trí của người xem.
Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh ra ở Huế, lớn lên ở miền Bắc, sự kết hợp văn hóa hai miền đất trong một con người đã làm nên chiều sâu nghệ thuật trong các nét vẽ của ông. Triển lãm tố nữ dân gian với bộ tranh “Vân dại” khắc họa chủ đề về một đời sống phức tạp, bi kịch của cô tố nữ Xúy Vân với những nỗi đau nội tâm được tác giả thể hiện thành công trên nền giấy dó bằng thuốc nước.


Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ về những tác phẩm của mình.


Sự thú vị và độc đáo của triển lãm đã chiếm được cảm tình của người xem.


Trình diễn trích đoạn chèo cổ "Xúy Vân giả dại" bên cạnh không gian Triển lãm "Vân dại".


Họa sĩ Lý Trực Sơn và nhân vật “Xúy Vân” trong trích đoạn chèo cổ "Xúy Vân giả dại",
và cũng là nhân vật chính trong bộ tranh "Vân dại" của ông.

Họa sĩ Lý Trực Sơn tâm sự rằng, ông mê chèo nên ý tưởng về loạt tranh nhân vật Xúy Vân đã được ông ấp ủ gần 30 năm và khao khát thể hiện nhân vật này lên tranh. Bộ tranh tố nữ dân gian “Vân dại” có khoảng 100 bức với nhiều lối vẽ khác nhau và mảng màu trắng được coi là chủ đạo thể hiện một câu chuyện với nhiều biến động của tố nữ Xúy Vân. Họa sỹ Lý Trực Sơn là người đưa nhân vật Xúy Vân vào hội họa với nhiều vóc dáng khác nhau thể hiện nội tâm phức tạp.

Tranh về "Vân dại" là sự kết hợp ăn ý giữa các màu sắc đậm phong cách dân gian theo một cách vẽ ước lệ phóng khoáng phương Tây trên nền chất liệu 
giấy dó truyền thống.

Chính nhờ sự thấm nước và tính dẻo dai của giấy dó mà hình ảnh cô “Vân dại” trong tranh của Lý Trực Sơn hiện lên một cách thuần hậu nhưng kỳ ảo, sống động.

Cùng với Triển lãm giới thiệu bộ tranh “Vân dại”, trích đoạn vở chèo cổ Xúy Vân giả dại cũng được trình diễn song song với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo Việt Nam như Thanh Hoài, Thanh Bình, Thúy Ngần, Mạnh Phóng, Trần Thịnh, Vũ Ngọc...

Một số tác phẩm trong bộ tranh “Vân dại” của hoạ sĩ Lý Trực Sơn:
 











   



Xúy Vân giả dại là trích đoạn trong vở chèo cổ Kim Nham có nội dung như sau: Xúy Vân lấy chồng là một anh học trò nghèo tên là Kim Nham. Sau khi lấy Xúy Vân, Kim Nham lên kinh thành "dùi mài kinh sử". Trần Phương, một gã nhà giàu tìm cách tán tỉnh Xúy Vân, xui nàng giả điên dại để thoát khỏi Kim Nham rồi hắn sẽ cưới. Xúy Vân nghe theo bèn giả điên. Kim Nham thấy vợ điên nên mời hết thầy thuốc, cô đồng, thầy cúng đến chạy chữa cho vợ nhưng không kết quả. Chàng đành phải làm giấy cho Xúy Vân được tự do. Xúy Vân bỏ Kim Nham để theo Trần Phương, nhưng gã  "Sở Khanh" đã phụ tình nàng. Từ chỗ giả điên, nàng trở nên điên thật. Kim Nham do quyết chí học hành, đã đỗ cao, được bổ làm quan. Trong khi đó Xúy Vân điên dại, phải đi ăn xin. Nhận ra vợ cũ, Kim Nham bỏ một nén bạc vào nắm cơm sai người đem cho. Xúy Vân bẻ nắm cơm, thấy có bạc, xấu hổ, đau đớn, nhảy xuống sông tự vẫn.

 

Bài: Bích Vân - Ảnh: Văn Quyền


Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top