Nghệ thuật

Tượng gỗ Tây Nguyên: Những pho “sử thi” bước ra từ đại ngàn

Tây Nguyên đại ngàn không chỉ nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng, những pho sử thi truyền miệng bên bếp lửa, mà còn được biết đến với những pho tượng gỗ thô mộc và hồn nhiên như chính con người và núi rừng nơi đây.
Tạc tượng gỗ dân gian là loại hình nghệ thuật lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bằng đôi tay khéo léo và tư duy sáng tạo, những thân gỗ đã được các nghệ nhân "thổi hồn" thành tác phẩm nghệ thuật mang trong mình dấu ấn văn hoá và tâm linh đậm màu sắc thi ca của mảnh đất thiêng này.

Nghệ thuật tượng gỗ dân gian, một “từ khóa” cơ bản trong đời sống tâm linh của cư dân Tây Nguyên với triết lý “vạn vật hữu linh”, bắt nguồn từ những bức tượng nhà mồ bởi con người ở đây trước kia chủ yếu tạc tượng để trang trí cho lễ bỏ mả, một trong những nghi lễ lớn nhất trong năm.

Giống như những pho sử thi Tây Nguyên đồ sộ và độc đáo, tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên tuy đa dạng nhưng cũng thật dung dị và gần gũi. Hầu hết các bức tượng khắc họa hình ảnh đời thường từ lao động sản xuất đến sinh hoạt cộng đồng - một cách thể hiện rất “vật thể” trong một không gian văn hóa “phi vật thể” rộng lớn.


Đó là những người phụ nữ giã gạo, dệt vải, cánh đàn ông vào rừng săn bắn, đi rẫy, không khí lễ hội rộng ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần.


Những thân cây to nhỏ khác nhau là nguyên liệu chính
để các nghệ nhân tạc thành những bức tượng gỗ sống động. Ảnh: Công Đạt


Nghệ thuật tạc tượng gỗ Tây Nguyên chủ yếu sử dụng các dụng cụ thô sơ như rìu, đục… Ảnh: Công Đạt


Ngày nay, nghệ thuật tạc tượng ở Tây Nguyên cũng đã trở nên tinh xảo hơn so với trước,
các nghệ nhân cũng tỉ mỉ hơn trong công việc tạo hình của mình. Ảnh: Khánh Long


Dưới bàn tay tỉ mẩn của những nghệ nhân… Ảnh: Lê Minh


…những bức tượng gỗ đã dần dần thành hình. Ảnh: Lê Minh


Nghệ nhân Vũ Văn Đức tỉ mỉ từng chi tiết để có tác phẩm đẹp nhất. Ảnh: Công Đạt


Nghệ nhân say mê với tác phẩm của mình. Ảnh: Công Đạt


Nghệ nhân K’Sa với tác phẩm “Tình mẫu tử”. Ảnh: Công Đạt


Nghệ nhân Y Thái Êban (Buôn Ma Thuột) say mê hoàn thành tác phẩm “Thầy cúng” của mình. Ảnh: Khánh Long

Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Sự cộng hưởng giữa sáng tạo cá nhân dựa trên chiều sâu văn hóa nơi đây đã tạo nên những bức tượng độc đáo, không trùng lặp và mang đậm dấu ấn riêng của người nghệ nhân.

Tùy vị trí địa lý hay tộc người mà chủ đề tạc tượng của các nghệ nhân cũng thường khác nhau. Có người chuyên tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên… , có những nghệ nhân lại thiên về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng, trong khi đó, các nghệ nhân khác lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau.

Cũng có không ít nghệ nhân hướng đến hình mẫu người phụ nữ, bởi theo họ, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.

“Tình mẫu tử luôn luôn là thiêng liêng cao quý đối với mỗi người con Việt Nam chúng ta. Chính vì sự yêu thương bao la, vô bờ bến của người mẹ nên tôi muốn tạc bức tượng này tặng cho vô số người mẹ trên nước Việt Nam cũng như các nước khác để tỏ lòng biết ơn công sinh thành và nuôi dưỡng”. Nghệ nhân K’Sa (Đắk Nông), chia sẻ.



Tác phẩm “Gấu bẻ măng” của nghệ nhân Y Ân B’Ja (Đắk Nông)
vừa giành giải nhất Hội thi Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk năm 2017. Ảnh: Lê Minh


Tác phẩm “Thầy cúng” của nghệ nhân Y Thái Êban (Buôn Ma Thuột)
vừa giành giải nhất Hội thi Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk năm 2017. Ảnh: Khánh Long


Tác phẩm hoàn thiện “Giai điệu Đing Năm” của nghệ nhân Trương Đức Quang (Đắk Lắk). Ảnh: Công Đạt


Nét tinh xảo của những bức tượng gỗ Tây Nguyên mặc dù được tạc bằng tay với những công cụ thô sơ. Ảnh: Công Đạt


Những bức tượng gỗ thể hiện rõ nét văn hóa phồn thực của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Công Đạt


Những tác phẩm tượng gỗ dân gian Tây Nguyên trong vườn tượng ở buôn du lịch Ko Tam (Buôn Ma Thuột). Ảnh: Công Đạt


Những bức tượng gỗ trang trí trong các nếp nhà dài đặc trưng của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Ảnh: Công Đạt

Do phần lớn được chế tác bằng công cụ thô sơ, các tác phẩm tượng gỗ đều mang trên mình dấu vết những nét đẽo gọt mộc mạc của rìu, rựa hay đục. Hình ảnh những pho tượng thô mộc, rắn rỏi đứng hiên ngang dãi dầu mưa nắng cũng như toát lên cốt cách con người và văn hóa Tây Nguyên./.


Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết không phải là hết mà đó là sự trở về với núi rừng, nơi con người đã được sinh ra.Khi người thân ra đi, để tiễn đưa, họ có những món quà là những bức tượng sinh động về con người, động vật và những đồ dùng sinh hoạt. Đó là sự phản ánh những gì mà khi còn sống, mỗi người đều phải trải qua.

Thực hiện: Lê Minh, Công Đạt, Khánh Long


Top