Nghệ thuật

Trúc chỉ xứ Huế

Nghệ thuật trúc chỉ được tạo ra với nguyên liệu là cây tre và dựa trên cơ sở của nghề làm giấy thủ công truyền thống của Việt Nam. Theo phiên âm Hán Việt, trúc là cây tre, còn chỉ là giấy nên cái tên trúc chỉ đã hình thành từ đó. “Là giấy mà không chỉ là giấy” đó là cốt lõi để họa sĩ Phan Hải Bằng sáng tạo nên nghệ thuật trúc chỉ nổi tiếng của cố đô Huế.
Vào năm 2000, họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự bắt đầu tiến hành một dự án tìm ra một sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo nhưng vẫn mang đậm văn hóa Việt Nam. Sau hơn 10 năm điền dã, nghiên cứu phương pháp làm giấy dó ở khắp những làng nghề làm giấy của Việt Nam, vào năm 2011, họa sĩ Phan Hải Băng đã sáng tạo ra nghệ thuật trúc chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa Huế.

Việc lựa chọn chất liệu cho trúc chỉ là một vấn đề mà họa sĩ Phan Hải Bằng phải tốn rất nhiều công sức. Sau khi đã thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau, anh quyết định sử dụng cây tre là nguyên liệu chế tác nghệ thuật trúc chỉ. Đơn giản vì tre được trồng nhiều ở Việt Nam và mang lại độ dai bền cho sản phẩm. Mặt khác, mỗi sản phẩm trúc chỉ làm từ cây tre có thể treo ngoài trời mà không sợ nắng gió.


Công đoạn seo giấy trước khi được vẽ bằng bút nước. Ảnh: Thanh Giang


Bút nước do họa sĩ Phan Hải Bằng sáng tạo ra giúp những họa sĩ làm tranh trúc chỉ
dễ dàng tạo nên những hoa văn và họa tiết. Ảnh: Tất Sơn


Những hoa văn được vẽ và cắt thành hình giúp cho công đoạn tạo hình
bằng bút nước được thuận tiện hơn. Ảnh: Tất Sơn



Sau khi bị áp lực nước thổi vào, những hạt bột giấy sẽ lắng đọng
dưới những hình cắt tạo nên hoa văn cho tranh trúc chỉ. Ảnh: Tất Sơn



Sau khi được vẽ bằng bút nước, trúc chỉ sẽ được đem phơi dưới ánh nắng để sản phẩm khô đều. Ảnh: Thanh Giang


Sau khi sáng tạo ra nghệ thuật trúc chỉ, họa sĩ Phan Hải Bằng đã kết hợp với những làng nghề truyền thống tại Huế
để tạo ra những sản phẩm với chất liệu là trúc chỉ như quạt, đèn lồng. Ảnh: Tất Sơn



Những sản phẩm từ nghệ thuật trúc chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng
cùng cộng sự làm ra được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Ảnh: Thanh Giang

Những cây tre được lựa chọn, mang đi nấu và nghiền thành bột rồi được seo thành tấm giấy (đây là quy trình làm giấy thủ công). Trên nền giấy đang ướt những họa sĩ trúc chỉ sẽ bắt đầu dùng bút nước (vòi nước có thể điều chỉnh áp lực nước mạnh nhẹ khác nhau) tác động vào bề mặt của giấy để tạo hình. Những hoa văn cắt sẵn dán vào giấy ướt để giữ lại bột tùy vào phương pháp của từng người.

Ngoài phương pháp như trên, nghệ thuật Trúc còn có phương pháp vẽ trực tiếp bằng bút nước trên tấm giấy ước mới seo. Ở công đoạn này, các họa sĩ đã sử dụng thị giác và cách tạo hình ngay trong quá trình seo giấy. Sau đó, những hình ảnh sắc độ sẽ hiện rõ hơn khi có hiệu ứng ánh sáng xuyên qua hoặc là kết hợp vẽ bằng bút nước để tạo nên sản phẩm độc đáo và sáng tạo.

Sự ra đời của nghệ thuật này giúp cho những tấm giấy thoát khỏi thân phận làm nền cho những thi triển sáng tác khác ở trên bề mặt.

Sau khi trúc chỉ ra đời, họa sĩ Phan Hải Bằng đã kết với những làng nghề thủ công truyền thống của Huế như: tranh làng Sình, nghề làm nón, làm quạt… Sự kết hợp này có thể giúp phục hồi những làng nghề truyền thống của Huế và tạo nên những sản phẩm mới mang dấu ấn và văn hóa Huế.



Không gian trưng bày những sản phẩm từ trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng. Ảnh: Tất Sơn


Một sản phẩm tranh trúc chỉ được sự cộng hưởng của ánh sáng
toát lên vẻ đẹp huyền ảo. Ảnh: Thanh Giang



Những chiếc đèn vườn được làm ra bằng chất liệu trúc chỉ. Ảnh: Thanh Giang


Sản phẩm đèn lồng được trang trí bằng những hoa văn của nghệ thuật trúc chỉ. Ảnh: Thanh Giang


Tranh treo tường trúc chỉ. Ảnh: Thanh Giang


Tranh được tạo ra từ nghệ thuật trúc chỉ. Ảnh: Tất Sơn


Bức thư pháp của thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh được thể hiện bằng nghệ thuật trúc chỉ. Ảnh: Tất Sơn


Chân dung được làm ra từ nghệ thuật trúc chỉ. Ảnh: Tất Sơn


Sản phẩm quạt truyền thống ở Huế được làm ra từ nghệ thuật  trúc chỉ. Ảnh: Thanh Giang


Những sản phẩm mĩ thuật được làm ra từ nghệ thuật trúc chỉ. Ảnh: Thanh Giang

“Trúc chỉ là giấy mà không chỉ là giấy” mà là sự kết hợp giữa truyền thống và niềm đam mê sáng tạo cái đẹp. Với niềm đam mê ấy người nghệ sĩ đã sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật vô cùng sáng tạo và độc đáo. Trúc chỉ và những loại hình nghệ thuật khác đã và đang góp phần làm phong phú hơn đặc trưng văn hóa của xứ Huế./.
 
Bài: Tất Sơn - Ảnh: Tất Sơn, Thanh Giang


Top