Tin tức

Triều-Hàn trực tiếp thương lượng về dự án có sự tham gia của Nga

Chiều 15/7, nhóm công tác do Ủy ban hợp tác kinh tế miền Bắc thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc đã trở về Seoul, kết thúc chuyến đi tới khu vực kinh tế đặc biệt Rason thuộc biên giới phía Đông Bắc Triều Tiên từ ngày 13/7. 

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết mục đích chuyến công tác là thảo thuận về khả năng hợp tác kinh tế 3 bên giữa hai miền Triều Tiên và Nga liên quan đến dự án Rajin-Khasan và nhiều dự án khác. 

Phát biểu trước báo giới sau khi về đến sân bay quốc tế Incheon, ông Song Young-gil, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế miền Bắc, trưởng đoàn công tác nói trên cho biết mặc dù trước đó đã có các cuộc thảo luận giữa Chính phủ Nga và Triều Tiên, hay giữa Nga và Hàn Quốc, song đây là lần đầu tiên hai miền Triều Tiên có các cuộc thương lượng trực tiếp về dự án Rajin-Khasan. 

Ông Song Young-gil thông báo hai bên đã nhất trí tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận tương tự.

Trong khi đó, theo một quan chức đoàn công tác nói trên, dự án Rajin-Khasan tuy không chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, song dự án này chịu sự chi chối của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Do đó, đoàn công tác có kế hoạch đưa ra đánh giá tổng quát và chuẩn tiến hành nghiên cứu chung về dự án này cho đến khi tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có tiến triển và các cuộc thảo luận về việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng được bắt đầu.

Rajin-Khasan là một dự án về logistics giúp vận chuyển than đá từ Nga sang Triều Tiên thông qua quãng đường sắt dài 54km nối khu vực Khasan của Nga với cảng Rajin của Triều Tiên và sau đó được tàu thủy chuyển tới Hàn Quốc. 

Cho đến nay, tuyến đường vận chuyển này đã được thử nghiệm 3 lần và lần gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, dự án này đã tạm dừng sau khi Hàn Quốc cấm mọi hoạt động vận tải biển từ Triều Tiên hồi đầu năm 2016 sau vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. 

Rason, có tên gọi cũ là Rajin và Sonbong đã trở thành khu vực kinh tế đặc biệt vào năm 1991.

Triều Tiên lâu nay tìm cách phát triển khu kinh tế này thông qua chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài, song chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo luôn của cản trở hoạt động đầu tư tại đây./.


TTXVN/VNP


Top