Phóng sự chuyên đề

TPP và cơ hội của dệt may Việt Nam

Mặc dù việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán, nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã lên kế hoạch chuẩn bị cho việc thâm nhập vào sân chơi mới đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức này.
Từ vị trí xuất khẩu số 1 Việt Nam:
«
          Thị trường khu vực các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP là rất lớn, gồm 12 nước với khoảng 790 triệu dân, chiếm tới 1/3 giá trị thương mại toàn cầu.
                                        »
Trước khi tìm hiểu cơ hội và thử thách của dệt may Việt Nam khi gia nhập TPP, chúng tôi đã tiến hành một đợt khảo sát, tìm hiểu thực tế về ngành hàng xuất khẩu số 1 này của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may hiện là một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD/năm, chiếm 15% GDP và hiện Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản.

Để hiểu thêm về thực tế của ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi đã đến tìm hiểu tại Công ty Cổ phần Tổng Công ty May Đồng Nai (Donagamex) ở Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Mặc dù mới sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng không khí sản xuất tại doanh nghiệp này đã sôi động và hối hả trở lại để kịp đơn hàng cho xuất khẩu. Theo Ban lãnh đạo Donagamex, dù mới đầu năm nhưng đơn đặt hàng của Donagamex đã kín đến tận tháng 9/2014. Trong năm 2014 này, Donagamex phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 47 triệu USD, tăng hơn 10% so năm 2013. Hiện Donagamex đã đưa vào hoạt động bảy dây chuyền may tại thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước và đang tiếp tục cho mở rộng thêm 15 dây chuyền tại Công ty May Ðồng Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai), dự kiến tháng 6/2014 sẽ đi vào hoạt động.
 

Tập đoàn Dệt May Việt Nam hiện đang tập trung đầu tư các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất.
Trong ảnh: Dây chuyền thêu của Công ty CP Tổng Công ty May Đồng Nai.


Phân tích chất liệu sợi của vải tại Phân viện Dệt May Tp. Hồ Chí Minh.


Giám định màu sắc của nguyên liệu vải trong phòng thí nghiệm của Phân viện Dệt May Tp. Hồ Chí Minh.


Nhiều doanh nghiệp của dệt may Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới.


Ép mác phụ liệu phục vụ ngành Dệt May tại Công ty CP Tổng Công ty May Đồng Nai.


Dệt may Việt Nam hiện là ngành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu và được kỳ vọng sẽ có phát triển vượt bậc khi gia nhập TPP.


Áo sơmi cao cấp, một dòng sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế của Tổng Công ty May Nhà Bè.


Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang phấn đấu trở thành một tập đoàn đa sở hữu
trong top 10 các tập đoàn dệt may trên toàn thế giới vào năm 2015.


Dây chuyền sản xuất may công nghiệp áo sơ mi tại Tổng công ty May Việt Tiến.


Dệt May Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và được đào tạo cơ bản.


Tập đoàn Dệt May Việt Nam hiện đang tập trung đầu tư các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất.


Tân Cảng Tp. Hồ Chí Minh là một trong những nơi xuất nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam.


Các đối tác nước ngoài tìm hiểu về nghành phụ liệu may mặc ở Tp. Hồ Chí Minh.

«
          Mục tiêu của Hiệp định TPP là từ năm 2015 sẽ giảm về 0 khoảng 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. 
                                                  »
Tại Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi đến nhà máy sản xuất của Tổng Công ty May Nhà Bè (NBC), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam. Tại đây, NBC tập trung sản xuất chủ yếu các dòng sản phẩm chủ lực như: veston, sơmi cao cấp… Đây là những dòng sản phẩm cao cấp, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài thị trường xuất khẩu, NBC còn hướng vào thị trường trong nước, bởi đây cũng đang là thị trường tiềm năng.

Cùng với NBC, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, tăng cường công nghệ, thiết kế và phát triển sản phẩm mới. Đồng thời, tham gia tích cực vào nhiều chương trình mang tính kích cầu nội địa cao như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Doanh nghiệp dệt may đồng hành cùng đồng bào biển đảo của Tổ quốc”… Những chiến lược trên giúp thị trường nội địa của ngành dệt may ngày càng khởi sắc với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15-18%.

Riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), “ông lớn” của làng dệt may Việt Nam lại có tham vọng lớn hơn, đó là theo đuổi mục tiêu trở thành một tập đoàn đa sở hữu trong top 10 các tập đoàn dệt may trên toàn thế giới vào năm 2015. Hiện Vinatex đã có quan hệ thương mại với hơn 400 tập đoàn, công ty đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.

Ngoài chủ trương mở rộng hợp tác lâu dài với các nhà đầu tư chiến lược trên tinh thần bình đẳng hai bên cùng có lợi, Vinatex còn rất chú trọng vào khâu đào tạo nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao để đảm bảo sự ổn định của nguồn lao động. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ khuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh chính là một trong những đơn vị uy tín được giao thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tại, nhà trường liên kết với các Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo cán bộ có trình độ cao học và đại học, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của dệt may Việt Nam. Cùng với đó, Vinatex cũng không ngừng nâng cao chất lượng máy móc thiết bị, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật… Phân viện Dệt May Tp. Hồ Chí Minh, đơn vị nhiều năm qua đã chủ động nghiên cứu cho ra đời nhiều loại máy móc, công nghệ phục vụ hiệu quả cho sản xuất và xuất khẩu của dệt may Việt Nam.

Với những chính sách và chiến lược thích hợp như trên, cùng với tình hình kinh tế thế giới đang có dấu hiệu dần hồi phục, trong khi nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may cũng như năng lực sản xuất ngày càng được nâng lên, năm 2014 này dệt may Việt Nam hứa hẹn tiếp tục sẽ phát triển, đạt kim ngạch xuất khẩu từ 22 đến 23 tỷ USD, tăng hơn 10% so năm trước (năm 2013 đạt 20,4 tỉ USD).

Đến triển vọng và thách thức khi gia nhập TPP:
Trong vòng đàm phán chính thức thứ 19 TPP hồi cuối tháng 8/2013, nhiều chuyên gia đã khẳng định, dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế, có tiềm năng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại. Đây cũng là lý do mà dệt may là ngành ưu tiên hàng đầu trong đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex, do có đến 60% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tập trung hầu hết vào các nước thuộc khối TPP nên khi tham gia TPP chúng ta sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể về thuế quan.

Đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là ở thị trường Hoa Kỳ, bởi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiện chịu thuế suất khoảng 17% - 18%, khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Với các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội khối TPP, nên trong dài hạn điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu, cụ thể là sản xuất sợi, dệt nhuộm. Và điều quan trọng là dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xây dựng ngành phụ trợ cho mình.
 

Hệ thống máy móc hiện đại trong sản xuất hàng xuất khẩu của Tổng công ty May Việt Tiến.


Tổng công ty CP May Nhà Bè luôn sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao để may hàng xuất khẩu
nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng nước ngoài.


Trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghành dệt may Việt Nam.


Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Tổng công ty May Việt Tiến.


Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tính toán những bước đi mang tính chiến lược để chuẩn bị cho tiến trình gia nhập TPP. 

«
          Dự tính, nếu gia nhập TPP, dệt may Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch 15% - 20% trong giai đoạn 2014 - 2017. Đến năm 2017, quy mô xuất khẩu có thể đạt 25 tỷ USD và đến năm 2020 là 50 tỷ USD.
                              »
Trao đổi về việc đàm phán TPP trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 12/2013 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong tiến trình này và mong rằng cần có sự linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước. Trong đó, quan tâm đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam, điều này phù hợp với quan điểm của các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP là hướng tới một Hiệp định cân bằng về quyền lợi của các thành viên.

Lợi thế của dệt may Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP đó là ngoài sự đồng lòng của các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam còn nhận được hỗ trợ rất lớn từ phía Hiệp hội nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Bởi khi đã gia nhập TPP thì Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ chung khối, lúc đó bản thân người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ được lợi khi hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ được hưởng thuế suất ưu đãi, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ được dùng hàng dệt may Việt Nam với giá rẻ hơn.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu gia nhập thị trường TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp ba kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tức từ mức 8,6 tỷ USD năm 2013 sẽ tăng lên khoảng hơn 20 tỷ USD trước năm 2020.

Vấn đề hiện tại là ngành dệt may Việt Nam còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Do vậy, muốn phát triển nguồn nguyên, phụ liệu trong nước đòi hỏi sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, tức là hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp; khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm). Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm nhập siêu... Dự kiến, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Khi đó, việc hưởng lợi từ thuế suất mới thực sự phát huy tác dụng.

Thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) cũng đã đầu tư sản xuất các nguyên, phụ liệu ngành dệt may để đón đầu TPP từ mấy năm trước. Đây là điều mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần ý thức rất rõ để có hướng đi phù hợp để nắm lấy cơ hội của mình khi gia nhập TPP. 
 

Đại diện Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè đón nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về chiếc áo vest khổng lồ.


Thời trang Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trên các sàn diễn thời trang trong và ngoài nước.

Là doanh nghiệp chủ lực của ngành, ngay trong năm 2014 này, Vinatex đang tập trung đầu tư các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu, trong đó chú ý phát triển các dự án sợi, dệt như hai nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc) công suất 40 triệu m/năm; hai nhà máy sản xuất vải yarn dyed (vải nhuộm sợi trước khi dệt) công suất 12 triệu m/năm; nhà máy vải len lông cừu công suất 6 triệu m/năm...

Việc tăng cường đầu tư các dự án sợi, dệt này cũng là nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu khi Việt Nam gia nhập TPP. Bên cạnh đó, Vinatex còn nghiên cứu và xây dựng sơ đồ phát triển ngành may tại các địa phương tùy vào nguồn lao động và điều kiện về giao thông để có hướng phát triển dài hơi cho toàn ngành.

Hi vọng rằng, với một chiến lược tính toán và đầu tư hợp lý, dệt may Việt Nam sẽ có bước đột phá lớn về kim ngạch xuất khẩu khi gia nhập TPP./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương 

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top