Kinh tế

TPP: Cơ hội và thách thức

Nhân dịp Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta”. Qua bài viết này, Thủ tướng đã đi sâu phân tích những thuận lợi cũng như thách thức của Việt Nam khi tham gia vào sân chơi thế hệ mới này, từ đó đề xuất những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài để đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc tham gia TPP và các FTA thế hệ mới bên cạnh những cơ hội thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ đối diện với những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia - đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.

Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị doãng ra nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng.


Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý. Nội dung về lao động-công đoàn cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu mới trong hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cả hệ thống chính trị của nước ta.


Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
tham gia Lễ kí hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ở New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị giao ban thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Đức Tám/TTXVN


Lễ ký kết giữa các Bộ ngành về việc giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Ảnh: An Đăng/ TTXVN



Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật,
chính sách để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Ảnh: TTXVN

Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó, cần xác định rõ vai trò và hành động của các chủ thể trong thực thi nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định này.

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy: “Doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, cũng theo Thủ tướng, doanh nghiệp không thể tự mình quyết định được tất cả. Doanh nghiệp phải hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước. Do đó Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng…

Vì vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị.

Bên cạnh đó, do TPP cũng như FTA với EU yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch hoạt động và cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nên chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước đồng thời khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.



Việt Nam hi vọng ngành dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ tham gia TPP. Ảnh: Trần Việt/TTXVN


Ngành nông nghiệp dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không đổi mới phương thức sản xuất
sang hướng hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn và một nền nông nghiệp sạch. Ảnh: Duy Khương/TTXVN



TPP là thị trường chính chiếm tới hơn 40% sản lượng xuất khẩu của mặt hàng thủy sản Việt Nam. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Khuyến khích phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp tư nhân để làm động lực nâng cao sức cạnh tranh
và tính tự chủ của nền kinh tế. Ảnh: TTXVN



Gia nhập TPP, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ
để có thể nhanh chóng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Kết thúc bài viết, Thủ tướng nhấn mạnh: “Để bảo đảm thành công trong hội nhập quốc tế và thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là TPP và FTA Việt Nam-EU, trước hết phải có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, các cấp các ngành và của cộng đồng doanh nghiệp. Phải làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững”./.


 

Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP (khoảng trên 20 nghìn tỷ USD) và 30% thương mại toàn cầu. Như vậy, cùng với TPP, FTA với EU và các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, sắp tới Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.


 
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top