Văn hóa

Tôn vinh vẻ đẹp áo dài Việt

Sau 3 lần tổ chức thành công, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh 2017 do Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì đã trở thành một trong những sự kiện nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của áo dài Việt, được du khách và công chúng quan tâm.
Được đầu tư hơn về quy mô, chất lượng, Lễ hội áo dài năm nay kéo dài từ ngày 3-17/3 với nhiều hoạt động phong phú nhằm chuyển tải thông điệp về nét duyên dáng vẹn nguyên của áo dài Việt Nam qua các thời đại.
Đêm khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Tinh hoa áo dài Việt", giới thiệu đến công chúng nhiều tiết mục biểu diễn thời trang áo dài, ca múa nhạc, phóng sự tương tác về lịch sử văn hóa chiếc áo dài Việt Nam và sự phát triển của chiếc áo dài tại thành phố thời gian qua.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chia sẻ, cùng với sự đồng hành của các đơn vị, cá nhân, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân thành phố, quy mô, nội dung tổ chức của Lễ hội năm nay đã có sức lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội và du khách nước ngoài.
Với chủ đề "Duyên dáng áo dài Thành phố Hồ Chí Minh", điểm nhấn của Lễ hội năm nay tập trung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nằm ở trung tâm thành phố, nơi thu hút đông đảo du khách tham quan. Tiếp đó là hơn 3.000 người trong trang phục áo dài đồng diễn tham gia hoạt động diễu hành “Tôi yêu Việt Nam”. Đặc biệt, để thể hiện tình yêu quê hương, biển đảo tổ quốc, 1000 nữ sinh Trường THPT Trưng Vương (Quận 1) trong trang phục áo dài đã xếp thành bản đồ Việt Nam hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bạn Bảo Trân, nữ sinh trường THPT Trưng Vương chia sẻ: “Khi được nhà trường thông báo chúng em sẽ mặc áo dài xếp hình bản đồ Tổ quốc, em rất háo hức. Mong sao chiếc áo dài sẽ có nhiều người mặc hơn nữa trong lúc làm việc hay cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”.
Lễ hội Áo dài được diễn ra trong không gian mở góp phần tạo nên một trải nghiệm thực, gần gũi và sống động giữa du khách và chiếc áo dài Việt. Chương trình trình diễn áo dài diễn ra nhiều địa điểm như Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ, Bảo tàng Áo dài Tp. Hồ Chí Minh… Các địa điểm vui chơi như Công viên Đầm Sen, Thảo Cầm Viên… đều miễn phí cho du khách khi mặc áo dài trong dịp này. Rất nhiều nhà may áo dài trên địa bàn thành phố thực hiện giảm giá may áo dài cho du khách trong nước và quốc tế.
 










Hơn 1000 nữ sinh Trường THPT Trưng Vương, Quân 1 trong trang phục áo dài
xếp bản đồ Việt Nam hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: An Hiếu, Quang Định
   
Ngoài ra, còn có hàng loạt sự kiện trong chương trình của Lễ hội như triển lãm Áo dài Việt Nam, cuộc thi chụp ảnh áo dài nhanh Photo Maraton trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ảnh đẹp áo dài online, hành trình xe đạp "Năng động áo dài", hội thi vẽ Áo dài và hoa cho các bé thiếu nhi, chương trình tôn vinh các nhà thiết kế, nhà may đo áo dài tiếng tăm tại Việt Nam... Đặc biệt, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban tổ chức cũng trao tặng 100 suất học bổng trị giá 200 triệu đồng cho các sinh viên vượt khó học giỏi của thành phố.
Lễ hội là một trong những hoạt động văn hóa ý nghĩa góp phần quan trọng vào sự phát triển, quảng bá điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh với du khách trong và ngoài nước./.   


Hành trình xe đạp "Năng động áo dài" qua nhà thờ Đức Bà. Ảnh:  An Hiếu


Hành trình xe đạp "Năng động áo dài" diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Quang Định


Lễ hội Áo dài được diễn ra trong không gian mở góp phần tạo nên một trải nghiệm thực,
gần gũi và sống động giữa du khách và chiếc áo dài Việt. Ảnh: Thông Hải


Người dân Tp thướt tha trong những tà áo dài. Ảnh: Thông Hải


Mọi người thoải mái thể hiện cá tính trong tà áo dài. Ảnh: Thông Hải


Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài Việt” thu hút được sự quan tâm của du khách.  Ảnh: Thông Hải


Du khách thưởng lãm các tác phẩm nhiếp ảnh về áo dài Việt
qua các thời kì được trưng bày tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thông Hải
 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải, An Hiếu, Quang Định


Top