Nghệ thuật

Tín ngưỡng thờ Mẫu qua bút vẽ Trần Tuấn Long

Với hành trình 20 năm vẽ về Tín ngưỡng thờ Mẫu cùng tình yêu và niềm say mê, họa sĩ Trần Tuấn Long đã giới thiệu 26 tác phẩm tranh thờ Mẫu tại triển lãm “Giá Thánh” vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam (Hà Nội). Triển lãm không chỉ giúp công chúng yêu hội họa cơ hội thưởng lãm nghệ thuật sơn mài, mà còn là dịp để người xem tìm hiểu sâu hơn về Tín ngưỡng thờ mẫu, một trong những tín ngưỡng bản địa có ngàn năm lịch sử.
Cảm hứng cho những sáng tác đầu tiên về đề tài Tín ngưỡng thờ Mẫu của họa sĩ Trần Tuấn Long bắt đầu từ năm 1996. Đó là lúc anh cùng một người bạn đi lễ đền Vua Bà ở huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, anh vô tình gặp một buổi hầu đồng và khi chứng kiến các nghi lễ hầu đồng, anh cảm thấy bị mê hoặc trước không gian ngập tràn ảo giác của nghệ thuật tâm linh này. Chính sự thăng hoa về cảm xúc này đã khiến Trần Tuấn Long nảy sinh ý tưởng tái hiện những nghi thức về thờ Mẫu vào các tác phẩm của mình.

Họa sĩ Trần Tuấn Long bắt đầu nghiên cứu về Tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua sách và qua nhiều buổi nói chuyện cùng các thanh đồng. Tác phẩm đầu tiên của anh được hoàn thành vào năm 1997.



Quang cảnh buổi khai mạc triển lãm.


Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO đến dự triển lãm.



Các vị khách quý chụp ảnh lưu niệm cùng họa sĩ Trần Tuấn Long.


Họa sĩ Trần Tuấn Long.


Khách tham quan triển lãm.

Chia sẻ về cách vẽ, Trần Tuấn Long cho biết đầu tiên phải phác thảo hình nhân vật qua bút chì, sau đó can lên vóc (miếng để vẽ sơn mài).Bằng kỹ thuật lâu năm trong nghệ thuật vẽ sơn mài, anh đưa tay vẽ các nét cao, nét nổi để thể hiện các sắc diện về nhân vật, đây cũng được xem là công đoạn khó nhất đối với việc vẽ tranh về Tín ngưỡng thờ Mẫu của họa sĩ Trần Tuấn Long.

Công đoạn tiếp theo là chắp bạc và mang đi phủ sơn. Quá trình sơn không được làm liên tục mà phải mang đi ủ ẩm, sau đó để khô rồi mới sơn tiếp. Sau khi sơn xong thì công việc cuối cùng là mài. Trong quá trình mài, nếu thấy chưa ổn chi tiết nào sẽ phải phá đi để vẽ lại.

“Đến khi nào cảm thấy các chi tiết từ trang phục, đến cử chỉ, tư thế của các giá đồng đúng như trong các buổi hầu đồng thì lúc đó tôi mới cảm thấy mình đã thực sự hoàn thành tác phẩm.” họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ.

26 bức tranh trưng bày tại triển lãm “Giá Thánh” là những tác phẩm mang sự huyền bí và âm u giống như không gian ở các đình đền của Việt Nam. Những tác phẩm này tái hiện hơn 10 giá đồng khác nhau vừa mang không khí lắng đọng, vừa rộn ràng rực rỡ. Người xem có thể cảm nhận được ý định thể hiện sự hiểu biết và mê đắm Tín ngưỡng thờ Mẫu của họa sĩ Trần Tuấn Long.

Sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống, anh đã nhuần nhuyễn tạo nên các đường nét uyển chuyển của trang phục, mô phỏng chân thực nhất hồn phách của các thanh đồng khi nhập giá. Đặc thù của hầu đồng là với mỗi giá, thanh đồng lại thay các bộ trang phục khác nhau, tiến hành các nghi thức cúng tế, múa hát và ban tài lộc khác nhau.

Các nét vẽ nhân vật được họa sĩ Trần Tuấn Long thể hiện với thần thái sống động, sắc diện khuôn mặt phong phú, song những mảng màu và họa tiết bổ trợ lại thể hiện tình cảm khác nhau ở những giá đồng khác nhau như Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bẩy, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Chín... Có thể nói, loạt tranh sơn mài rất công phu về đề tài Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được họa sĩ Trần Tuấn Long thể hiện rất sinh động qua khả năng làm chủ tạo hình kỹ thuật và kỹ thuật nghề sơn mài.


Một số tác phẩm trong triển lãm “Giá Thánh”:


Tác phẩm: Chầu Lục (sáng tác 2002).


Tác phẩm: Cô đôi Thượng Ngàn (Sáng tác 2004).


Tác phẩm: Chúa Thượng Thiên (sáng tác 2006).


Tác phẩm: Chầu đệ tứ II (sáng tác 2007).


Tác phẩm: Cô Bơ chèo đò (sáng tác 2009).


 Tác phẩm (từ trái sang): Chầu Lục II (2009), Ông Hoàng Mười II (2013), Quan lớn Tuần Tranh(2001).


Tác phẩm: Ông Hoàng Mười (sáng tác 2010).


Tác phẩm: Quan lớn Đệ Nhất II (sáng tác 2014).


Tác phẩm: Ông Hoàng Bẩy (sáng tác 2014).


Tác phẩm: Cô Chín (sáng tác 2016).


Tác phẩm (từ trái sang): Chầu Bé Bắc Lệ (2014),Cô Đôi Thượng Ngàn II (2015), Quan Trần Triều (2016).


Tác phẩm: Cô Bơ Thoải (Sáng tác 2017).

Chia sẻ cảm nhận về 26 bức tranh tại triển lãm “Giá Thánh” của họa sĩ Trần Tuấn Long, ông Phạm Sanh Châu- Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO cho biết: “Cá nhân tôi nhìn từ góc độ làm văn hóa quốc tế thì những bức tranh về Tín ngưỡng thờ Mẫu của họa sĩ Trần Tuấn Long vẽ thực sự rất đẹp, rất ấn tượng và mang sự truyền tải mạnh mẽ về văn hóa Việt Nam. Chúng ta nên tự hào vì hội họa Việt Nam cũng có tên trên bản đồ hội họa thế giới, trong đó thì nghệ thuật sơn mài không phải quốc gia nào cũng có. Hiện tại Việt Nam đang làm hồ sơ đệ trình nghệ thuật sơn mài Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi mong rằng bộ tranh này của họa sĩ Trần Tuấn Long sẽ được lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, để cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa của Việt Nam chúng ta.”./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top