Chân dung

Tiến sĩ Nhật giúp bà con dân tộc Thái làm du lịch

Là điều phối viên dự án Ða dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản các bản làng nông ngư nghiệp vùng sâu vùng xa, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA Nhật Bản thực hiện tại tỉnh Nghệ An, Tiến sĩ Ando Katsuhiro đã giúp đồng bào Thái ở bản Nưa thoát nghèo, mở ra sinh kế bền vững, làm giàu đẹp thêm cho bản làng miền núi phía Tây Nghệ An.
Chúng tôi đến bản Nưa là nơi được tiến sĩ người Nhật Ando Katsuhiro chọn làm trung tâm để liên kết các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Con Cuông. Ando Katsuhiro trực tiếp hướng dẫn chúng tôi và các bạn Nhật Bản trải nghiệm các điểm du lịch độc đáo từ bản Pha đến sông Giăng, qua thác Kèm, tới suối Mọc rồi về đến bản Nưa. Đây là tour du lịch do chính anh xây dựng, được ghi trên bản đồ chỉ dẫn cho khách tham quan khi tới huyện Con Cuông.

Tiến sĩ Ando Katsuhiro tới huyện Con Cuông năm 2014 để bắt đầu triển khai dự án này. Đây là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với nhiều điểm tham quan hấp dẫn, như thác Kèm, suối Mọc, vườn quốc gia Pù Mát, nhưng khoảng cách xa trung tâm Tp. Vinh và đường đi lại khá khó khăn. Người dân địa phương cũng tham gia hoạt động du lịch nhưng mới ở mức tự phát chưa có đầu tư bài bản. Do vậy, phát triển du lịch vẫn là bài toán khó không chỉ đối với huyện biên giới Con Cuông, mà với cả chuyên gia Ando Katsuhiro khi mới tiếp cận địa phương. 



Tiến sĩ Ando Katsuhiro, điều phối viên cao cấp Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA Nhật Bản tại Nghệ An.


Tiến sĩ Ando Katsuhiro trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch trên sông Giăng, Con Cuông, Nghệ An.


Tiến sĩ Ando Katsuhiro hướng dẫn sinh viên Nhật Bản tìm hiểu những nét sinh hoạt độc đáo
của người Đan Lai ở bản Cò Phạt, Con Cuông, Nghệ An.


Tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ như đóng gói các sản vật địa phương
sao cho thật đẹp, Tiến sĩ Ando Katsuhiro đã tạo ra một diện mạo mới cho các sản phẩm du lịch của người dân địa phương.


Tiến sĩ Ando Katsuhiro tham gia một buổi giao lưu văn nghệ cùng bà con người Thái bản Nưa.


Những tập tục văn hóa độc đáo của người dân địa phương được Tiến sĩ Ando Katsuhiro
tư vấn đưa vào làm điểm nhấn cho các hoạt động du lịch cộng đồng.


Để phát triển du lịch cộng đồng ở bản Nưa, Tiến sĩ Ando Katsuhiro mời du khách Nhật Bản
về đây trải nghiệm và chính những vị khách nước ngoài này
sẽ đưa ra những đánh giá khách quan nhất nhằm phát triển du lịch cộng đồng.


Những người dân bản Nưa coi Tiến sĩ Ando Katsuhiro
như người nhà và luôn dành cho anh những tình cảm thật đặc biệt.


Sau một năm dưới sự hướng dẫn tận tình của Tiến sĩ Ando Katsuhiro,
người dân làm du lịch ở bản Nưa, Con Cuông, Nghệ An đã đón 1200 lượt du khách đến thăm.

Tiến sĩ người Nhật Bản quyết không lùi bước. Sau một thời gian tìm hiểu địa bàn, Ando Katsuhiroquyết định làm khảo sát tìm hiểu điều kiện du lịch của địa phương và lấy ý kiến người dân để biết mức độ quan tâm của họ tới việc làm du lịch cộng đồng. Kết quả thu được từ cuộc khảo sát này khiến anh bất ngờ.

“Mặc dù mức sống của người dân ở đây khá thấp, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên về sự nhận thức của họ với mô hình du lịch cộng đồng – một loại hình du lịch hoàn toàn mới. Họ đưa ra nhiều sáng kiến trong việc làm thế nào để có thể thu hút được khách du lịch tới đây.”, Ando Katsuhiro chia sẻ về những ngày triển khai dự án tại bản Nưa, Con Cuông.

Để giúp người dân hiểu thêm về cách thức làm du lịch cộng đồng, Ando Katsuhiro đã tổ chức buổi đi thực tế cho một số người dân bản Nưa tới tham quan học tập mô hình du lịch tại Mai Châu (Hòa Bình). Sau đó, anh đã mời chuyên gia du lịch tới nói chuyện, hướng dẫn với người dân phát triển dịch vụ homestay, khai thác nét độc đáo của văn hóa truyền thống và ẩm thực của địa phương. Đặc biệt, Ando Katsuhiro mời kiến trúc sư Nhật Bản đến để thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng nhà tắm và vệ sinh dành cho du khách khi tới trải nghiệm du lịch homestay.

Chúng tôi nhận thấy cơ sở hạ tầng cho các hộ dân làm homestay ở bản Nưa được thiết kế rất độc đáo. Nếp nhà sàn được giữ nguyên bản. Các bức tường công trình phụ được làm bằng chính những viên sỏi, viên đá được nhặt ở suối quanh bản, phần mái được làm bằng tre mây, chỉ có phần lõi bên trong được lắp đặt nội thất hiện đại, tiện nghi.

“Anh Ando đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc làm du lịch cộng đồng. Người dân bản coi Ando như thành viên trong gia đình của mình”, chị Lô Thị Hoa- chủ nhà homestay tại bản Nưa cho biết. Chúng tôi cũng có cùng cảm nhận như chị Hoa và bà con dân tộc Thái nơi đây về tiến sĩ người Nhật Ando Katsuhiro sau chuyến tham quan này./.



 

Tiến sĩ Ando Katsuhiro đã từng nhận được các Giải thưởng sau:
- Thành tựu cho nỗ lực bảo tồn di sản thế giới Hội An (2005);
- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch”do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
  Việt Nam trao tặng;
- Giải thưởng dành cho Kiến trúc sư/Nhà thiết kế/ Tư vấn,
- Bằng khen “Bảo tồn công trình cổ tại Làng Cổ Đường Lâm”;
- Giải thưởng UNESCO Bảo tồn Di sản Văn hóa Châu Á - Thái Bình Dương (2013);
- Giải thưởng Thành viên danh dự dành cho người có đống góp bảo tồn di sản Thế giới Hội An (2015).


Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top