Khám phá

Thú thưởng trà của người Hà thành

Trong những ngày cuối Thu đầu Đông, khi cơn gió lạnh đầu tiên tràn về, ta cùng với người tri âm thưởng thức một chén trà, sẽ cảm nhận rõ hơn dư vị của cuộc sống và những nét văn hóa đặc sắc trong thú thưởng trà của người Hà thành.
 
Trải qua bốn nghìn năm dựng và giữ nước, người Việt từ xưa đã biết ướp trà với hoa sen, nhài, hoa ngâu, hoa cúc, hoa lan… để tăng hương vị cho thú vui tao nhã này. Thời Tự Đức người ta gói trà thành từng gói giấy bản nhỏ, thả vào trong từng bông hoa sen, đêm xuống, bông hoa khép cánh lại, ấp ủ dúm trà suốt đêm. Hoặc để ướp số lượng nhiều, người ta gỡ lấy hạt trắng ở đầu nhụy hoa gọi là “gạo sen” đem trộn với trà, ủ kín. Khi gạo sen teo lại thì sấy khô trà bằng than ở nhiệt độ vừa phải để giữ mùi hoa. Muốn có trà thơm ngon phải kỳ công như thế.

Được phát triển từ cuối thế kỷ 12 tại Nhật Bản, trà đạo đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hoá của đất nước Mặt trời mọc. Từ việc đơn giản uống trà, người Nhật đã nghiên cứu cách pha và uống trà, rồi nghi thức thưởng thức trà cho đến khi đúc kết thành trà đạo. Những năm gần đây, nghệ thuật này đã du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được các bạn trẻ đón nhận và đang dần phát triển thành một trào lưu mới. Tại Hà Nội, rất nhiều quán trà đạo đã xuất hiện với nhiều phong cách mới lạ, kết hợp khéo léo nghệ thuật trà đạo của Nhật Bản với các loại trà của Việt Nam để trở thành một nghệ thuật thưởng trà của người Việt.
Nghệ thuật uống trà của người Việt xưa được gói lại trong hai câu thành ngữ: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh" và "rượu ngâm nga, trà liền tay". Có nghĩ là chén trà rót ra phải uống ngay cho nóng, mới thơm, mới cảm nhận đủ dư vi. Tay nâng ly trà, nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức trà bằng tất cả tâm hồn, bằng những cảm xúc giác quan, mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm, tay cầm. Một chén trà ngon cũng làm lay động những sâu kín trong tâm hồn con người, nhưng cái lay động của hương vị trà đem lại sự dịu dàng, hòa cùng thiên địa.

Giữa không gian đô thị ồn ào, người Hà thành giờ đây lại thích tìm đến những quán trà yên tĩnh để thưởng thức thú vui tao nhã. Tại những quán trà này, mỗi phòng đều có một số bàn ghế gỗ cho khách ngồi. Nghệ thuật thưởng trà rất phù hợp với những nhóm từ 3-4 người cần một không gian yên tĩnh để trò chuyện.

Anh Nguyễn Việt Bắc, chủ một quán thưởng trà tại Hà Nội và cũng là một người đam mê nghệ thuật trà chia sẻ: “Tôi từng hướng dẫn cho các học trò của tôi làm loại trà Mộc Thanh thì phải lấy những lá trà già nhất ở trên cây, những cái lá mà nó gần rụng để làm. Hay với trà Hồng Bối, loại trà làm từ những búp trà ô long được trồng nhiều ở vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) thì cái búp nó còn đặc biệt hơn. Ở trên cây trà ô long nói riêng và các cây trà khác nói chung, có một loại rày, gọi là rày xanh. Búp trà này là búp trà mà sau một đợt bị rày xanh tấn công rất mãnh liệt, việc này sẽ tạo ra một loạt những sự đặc biệt trên búp trà đấy, ví dụ như sinh tố của búp trà sẽ ra khác thường đi, và những búp trà đó sẽ bị lên men ngay từ khi còn trên cây, thì mới làm ra được loại trà này"./.



Một số loại trà đặc biệt của người Việt, được sản xuất chủ yếu từ những búp trà ô long.


Nghệ thuật uống trà của người Việt được gói lại trong câu: Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh.


Người Hà thành sử dụng bình (hay ấm trà) có nhiều loại tương ứng với từng loại trà và cách thưởng thức trà.


Các bình, nậm dùng để đựng nước pha trà.


Bôi (chén) thường dùng chén cỡ hột mít (hay mắt trâu).


Một số bộ ấm chén gồm ấm, chén tống (chén to), và chén quân (chén nhỏ) dùng để thưởng thức trà.


Dụng cụ dùng để múc các búp trà vào ấm để pha cũng rất đặc biệt.


Tùy kích cỡ ấm, tùy loại trà mà khi pha phải đúng theo định lượng, nếu không có thể làm mất đi vị ngon của trà.


Nếu nước không đủ sôi khi pha trà thì trà không phai, nếu sôi quá thì trà lại nồng, các cụ xưa thường gọi là “cháy” trà.


Một không gian thưởng trà của người Hà thành.


Theo văn hóa thưởng trà của người Hà thành, khi tiếp khách, phải rót trà ra ra chén tống
rồi sau đó mới chia ra các chén quân. Còn nếu rót thẳng vào chén quân thì người sành điệu sẽ
rót lần lượt ít một vào từng chén, rồi xoay vòng rót ngược lại. Như thế, các chén trà đều đậm đà như nhau.


Nghệ thuật uống trà rất phù hợp với những nhóm từ 3-4 người cần một không gian yên tĩnh để trò chuyện.


Thiếu nữ Hà thành thưởng trà.


Với ưu điểm là không gian hoài cổ, yên tĩnh, trà đạo đang dần trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ Hà Nội.


Trong những ngày cuối Thu đầu Đông, khi những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về trên khắp đường phố Hà Nội,
cùng thưởng thức một chén trà, ta sẽ cảm nhận rõ hơn những dư vị của cuộc sống,
tâm hồn cũng rộng mở hơn, thư thái và lắng đọng.

 
Thực hiện: Công Đạt

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top