Tiêu điểm

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Báo ảnh Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021:
"Năm 2020, trong bối cảnh đất nước ta vui mừng kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và sự kiện chính trị trọng đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cũng là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đảm nhận đồng thời cả hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Với vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, ASEAN được các nước trong và ngoài khu vực coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác. Sau hơn 4 năm hình thành, Cộng đồng ASEAN - mái nhà chung của 650 triệu dân, đã không ngừng phát triển về mọi mặt, tăng cường và mở rộng liên kết nội khối cũng như với các đối tác của ASEAN.



Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN



Tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Đại hội đồng LHQ lần thứ 73. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Ngày 9/1/2020, bên lề phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ tại New York, Hoa Kỳ với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm Liên hợp quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN



Ngày 10/1/2020 (giờ địa phương), tại New York, Hoa Kỳ, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý đã chủ trì cuộc họp
của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết gia hạn hoạt động viện trợ xuyên biên giới cho hàng triệu người dân Syria kéo dài 6 năm qua.
Trong ảnh: Các nước thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết.. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN



Ngày 02/01/2020, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức
trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở đầu cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc 2020-2021.
 Trong ảnh: Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam  tại LHQ Đặng Đình Quý tuyên thệ trước Hiến chương LHQ tại Lễ thượng cờ. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN



Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. Ảnh: TTXVN

Ở tầm toàn cầu, trong suốt ba phần tư thế kỷ, với vai trò then chốt, là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của Liên hợp quốc (tổ chức quốc tế lớn nhất với 193 quốc gia thành viên), Hội đồng Bảo an đã khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Quyết tâm đảm nhiệm thành công cả hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 thể hiện sự nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra; thể hiện khát vọng của Việt Nam đóng góp cho hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ hơn nữa các điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước ta.

Nhận thức rõ điều đó, chúng ta đã xác định chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 và “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” khi đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Với chủ đề đó, tại cả hai diễn đàn quan trọng hàng đầu ở tầm khu vực và toàn cầu này, chúng ta sẽ cùng các nước thành viên và bạn bè, đối tác tập trung vào các định hướng lớn sau:

Một là, đề cao lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế là hòa bình, hợp tác và phát triển. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”, những sáng kiến, ưu tiên mà chúng ta đề ra tại ASEAN và Hội đồng Bảo an phản ánh mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thời bảo đảm hài hòa với lợi ích của các đối tác khu vực và quốc tế.

Hai là, thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nhân dịp này, tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Ba là, chủ động và tích cực đóng góp vào việc giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các nước và của khu vực như hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết hậu xung đột...



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu chứng kiến nghi thức thượng cờ ASEAN. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Ngày 9/1/2020, Hội nghị Nhóm làm việc Quan chức Quốc phòng ASEAN (ADSOM WG) đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 80 đại biểu là quan chức quốc phòng đến từ các cơ quan hoạch định chính sách quốc phòng của Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Ban Thư ký‎ ASEAN. Đây là Hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị, hoạt động quân sự - quốc phòng trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Chiều 12/1/2020, tại Hà Nội, Hội nghị quan chức cao cấp về kinh tế ASEAN lần thứ nhất trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51 (SEOM 1/51) với sự tham gia của đoàn đàm phán các nước thành viên, Ban thư ký ASEAN. Trưởng đoàn SEOM của Việt Nam Lương Hoàng Thái chủ trì hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đây là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm và khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, chung tay góp sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè và cộng đồng quốc tế. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cả nước cần xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong năm 2020; cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hệ thống chính trị, nhất là giữa các lực lượng trực tiếp làm công tác đối ngoại để bảo đảm thực hiện thắng lợi tất cả nhiệm vụ và mục tiêu đề ra.

Với thế và lực mới của đất nước sau gần 35 năm Đổi mới; với sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; với sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của các nước ASEAN, bạn bè và cộng đồng quốc tế, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới"./.

 
 

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Trong không khí rộn ràng, háo hức của những ngày đầu xuân mới, các lễ hội truyền thống được tổ chức trên suốt chiều dài dải đất hình chữ S, từ khắp các nẻo đường, người người, nhà nhà lại nô nức đi trẩy hội để tưởng nhớ đến công ơn của những người đã có công với quê hương, đất nước và cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đó chính là nét đẹp văn hóa ngàn năm của lễ hội Việt cần được tôn vinh.

Top