Tiêu điểm

Thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam với Na Uy và Thụy Điển

Chuyến công du thăm chính thức Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt đã mở ra cơ hội quan hệ gắn bó khăng khít, hợp tác sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với hai quốc gia Bắc Âu.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Na Uy

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Erna Solberg, hội kiến Nhà Vua Harald Đệ Ngũ và Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen.

Tại hội đàm, Hai Thủ tướng hoan nghênh sự phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khẳng định quyết tâm của Việt Nam và Na Uy tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư bền vững và bao trùm; tái khẳng định cam kết sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn diện và sâu rộng giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Hai Thủ tướng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác song phương như các ngành kinh tế biển, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng. Hai bên hoan nghênh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy được tổ chức tại Oslo nhân dịp chuyến thăm.



Nhận lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Vương quốc Na Uy
từ ngày 24-26/5/2019. Lễ đón và hội đàm được tổ chức trọng thể sáng 24/5 tại Nhà khách Chính phủ, Thủ đô Oslo.

Trong ảnh:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg họp báo sau hội đàm. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Nhà vua Na Uy Harald V. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Wilhelmsen Trøen. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy được tổ chức 
 tại Thủ đô Oslo.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Na Uy, gồm: Kongsberg, DNV-GL, PHARMAQ,
Vard, Jotun và Scatec Solar. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty PHARMAQ, công ty sản xuất vắc xin trong lĩnh vực thủy sản.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Phòng thí nghiệm sản xuất vacxin cho cá. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Dịch vụ Hàng hải Kongsberg (Kongsberg Maritime). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

 
Hai Thủ tướng khuyến khích các bộ, ngành hai nước mở rộng trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch, thể thao, văn hóa, giao lưu nhân dân cũng như về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh nêu trong Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cả Na Uy và Việt Nam trong năm đang tham gia Tiến trình Rà soát Nhân quyền Phổ quát của Liên hợp quốc (UPR). Hai bên nhấn mạnh đây là cơ chế phổ quát, minh bạch do các quốc gia tiến hành dựa trên đối thoại và hợp tác. Hai bên đánh giá cao cơ chế Đối thoại nhân quyền mang tính xây dựng giữa Việt Nam và Na Uy; nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền, quyền con người cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng như các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế.


Chuyến thăm Na Uy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội tốt để hai nước tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế nếu được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Na Uy nhiệm kỳ 2021-2022.
Hai bên nhấn mạnh cam kết chung của hai nước đối với phát triển bền vững và bao trùm theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời ghi nhận các hoạt động quan trọng của các nước trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rác thải nhựa. Thủ tướng Erna Solberg ghi nhận các dự án đang và sẽ được triển khai với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực xử lý rác thải biển. Nhân dịp này, Thủ tướng Erna Solberg hoan nghênh việc Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Đại dương của Chúng ta sẽ được tổ chức tại Oslo trong tháng 10 năm 2019.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Quan hệ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN - Na Uy và Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM).

Hai bên ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị tại khu vực Đông Nam Á. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do, các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), là khuôn khổ pháp lý quy định mọi hoạt động trên biển và đại dương; kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhiều triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam – Thụy Điển

Chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này đã góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Thụy Điển.

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ thương mại hai nước cũng ngày càng phát triển. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước trong những năm gần đây tăng đều qua các năm. Năm 2017 đạt trên 1.312 triệu USD và năm 2018 là 1.501 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thụy Điển sang Việt Nam là máy móc và phụ tùng cho ngành công nghiệp và viễn thông. Các sản phẩm nhập khẩu chính của Thụy Điển từ Việt Nam là nông sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện.



Sáng 27/5/2019 (theo giờ địa phương), tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô Stockholm, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đón và hội đàm
với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 26 - 28/5/2019.
Trong ảnh: Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven
chứng kiến Lễ trao Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlén. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam
như: Electrolux, Oriflame, Scania, ABB, Ericsson, Volvo…. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Tập đoàn AstraZeneca ở thành phố Södertälje -
doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dược phẩm hàng đầu của Thụy Điển. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Công ty Stockholm Exergi.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan phòng điều khiển của Công ty Stockholm Exergi. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Tập đoàn Công nghệ Thông tin Ericsson. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Về đầu tư, thời gian qua, đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh. Tính đến hết tháng 3-2019, Thụy Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 364 triệu USD. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển sớm có mặt tại Việt Nam, như: Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux… Hãng sản xuất xe hơi Volvo và hãng thời trang H&M của Thụy Điển cũng đã mở cửa hàng tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, tính đến nay, Việt Nam có 2 dự án đầu tư tại Thụy Điển với tổng vốn đầu tư là 697,500 USD.

Hai bên đã ký 2 Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, nhạc kịch cũng đạt được những kết quả tích cực. Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã hợp tác với các trường âm nhạc Thụy Điển trong việc đào tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất phim, nâng cao kỹ năng đội ngũ giảng viên của Việt Nam...

Lĩnh vực hợp tác du lịch cũng có bước phát triển tích cực. Lượng khách Thụy Điển đến Việt Nam trong năm 2017 đạt 44.045 lượt, tăng 16,9% so với năm 2016. Năm 2018, Việt Nam đón 49.723 lượt khách Thụy Điển, tăng 13% so với năm 2017. Việt Nam đã áp dụng miễn thị thực đơn phương cho công dân Thụy Điển đến Việt Nam và mở đường bay hàng tuần từ Stockholm tới Phú Quốc.../.

 
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top