Văn hóa

Tái hiện tri thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam

Mới đây, các đại diện của hơn 20 dân tộc thiểu số Việt Nam đã hội tụ tại Hà Nội trong chương trình văn hóa với chủ đề “Tri thức bản địa - mạch sinh nguồn sống” để tôn vinh tri thức cộng đồng dân tộc được trao truyền qua các thế hệ. Sự kiện này giúp công chúng Thủ đô và bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số Việt Nam. 
“Tri thức bản địa - Mạch sinh nguồn sống” là chủ đề của Ngày hội "Tôi tin Tôi có thể" năm 2018. Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật cùng talkshow và trưng bày về văn hóa các dân tộc thiểu số tại Việt Nam do nhóm hành động vì sự phát triển của người H.mông, Mạng lưới về tri thức bản địa VTIK, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (ISEE) và các tổ chức phi chính phủ phối hợp tổ chức với mục đích tôn vinh bản sắc văn hóa của hơn 20 cộng đồng dân tộc thiểu số từ 15 tỉnh thành khắp cả nước. 
 
“Tri thức bản địa - Mạch sinh nguồn sống” tập trung thể hiện những giá trị độc đáo, riêng biệt của từng cộng đồng. Những mạch sống mãnh liệt lan toả dưới từng tấc đất, trong từng con sông dòng suối, từng gốc cây kẽ lá tới mỗi con người, mỗi gia đình tạo nên nguồn sống bất diệt.


Chương trình “Tri thức bản địa - Mạch sinh nguồn sống” được tổ chức trên phố đi bộ Hồ Gươm, tái hiện hoạt động văn hóa đời sống và lễ hội đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước.


Một cuộc triển lãm giới thiệu những góc nhìn đa dạng về văn hóa và cuộc sống
của các cộng đồng dân tộc cũng được tổ chức tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.


Bà con các dân tộc giao lưu trong cuộc triển lãm giới thiệu văn hóa các dân tộc.


Một góc không gian trưng bày nét văn hóa của người Pa kô, Quảng Trị ở triển lãm tại 93 Đinh Tiên Hoàng.


Các chủ đề giới thiệu trong triển lãm đều được bà con dân tộc trực tiếp hoặc đồng nghiên cứu, thực hiện.
Vì thế đã tạo ra cái nhìn đa dạng, rất thú vị về cuộc sống của các cộng đồng dân tộc.


Người Mông ở Lào Cai giới thiệu các sản phẩm, vật dụng nghề rèn truyền thống của người Mông.


Hơn 100 thanh niên đến từ các cộng đồng người Mông, Nùng, Dao, Mường, Vân Kiều,…
đã cùng nhau gặp gỡ tọa đàm về các chủ đề: văn hóa truyền thống dân tộc, việc làm, hôn nhân và môi trường….


Cuộc tọa đàm “Nghe từ xanh trong” với sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số và những nhà nghiên cứu văn hóa.


Du khách nước ngoài trong trang phục dân tộc người thiểu số Việt Nam tại chương trình hòa ca "Tôi tin tôi có thể”.

Thông qua những tác phẩm ấn tượng như: Bộ ảnh điều tra ngôn ngữ về mặt từ vựng của hai dân tộc Pak ooh và Tà Ôi, nhóm dân tộc Pak Ooh Quảng Trị, Truyện tranh cổ tích của người Mông, Phim tài liệu “Giữ rừng tự nhiên”, bộ ảnh “Lễ hội cầu mùa”, tái hiện “Lò rèn của người Mông”, Tranh “Câu chuyện bến nước”, tranh vẽ sơ đồ cơ thể (dân tộc Thái), người xem được trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa bản địa truyền thống của người dân tộc. Những tác phẩm này được các tình nguyện viên của nhiều tổ chức quốc tế như Plan, Care, Chilfund, nhóm hành động vì sự phát triển của người H.mông, Mạng lưới về tri thức bản địa VTIK, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (ISEE) cùng thực hiện bằng lòng say mê, khẳng định rõ nét sự đa dạng văn hóa, thúc đẩy sự thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc nên đã chinh phục được đông đảo du khách.

Cùng với phần trưng bày và trình diễn nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp của Tri thức bản địa, Toạ đàm “Nghe từ xanh trong” là một không gian mở với những câu chuyện sinh động về quá trình xây dựng cây phả hệ để tìm hiểu sự biến đổi trong văn hoá và ứng xử của một dòng họ người Mông có 8 đời ở Việt Nam, về hành trình đi tìm chữ viết và bằng chứng để khẳng định 'tôi là ai"… Từ đây, mọi người cùng nhau chia sẻ và thảo luận những câu hỏi thú vị xung quanh giá trị của tri thức và nghệ thuật đồng hành để lan tỏa giá trị này.

Chị Hoàng Thu Hường, Phó Viện trưởng Viện ISEE cho biết: "Là người trực tiếp về làm việc với địa phương, tiếp xúc với người dân tại không gian sống, mắt thấy tai nghe những câu chuyện, tâm tư, ngôn ngữ/văn hoá của họ, tôi thấu hiểu giá trị của tri thức bản địa đã giúp cộng đồng người dân tộc tồn tại qua bao nhiêu thế hệ và mong rằng kho tàng tri thức quý báu này được bảo tồn và phát huy hơn nữa".

Cộng đồng người dân tộc đã lan tỏa thông điệp này bằng các tiết mục truyền thống đặc sắc tái hiện lại cuộc sống của bộ tộc mình. Du khách được đắm chìm trong điệu hát ru con của các đại diện dân tộc Pakôh (Quảng Trị), hát về dệt vải - dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang), hát đối giao duyên của dân tộc Mường (Thanh Hóa), âm vang cồng chiêng của dân tộc Mnông, (Đăk Nông)./.


 Bà con dân tộc Dao trình diễn điệu múa truyền thống tại phố đi bộ Hồ Gươm.


Người dân tộc Khmer ở Trà Vinh đang biểu diễn tiết mục múa Lâm thôn trong đêm hòa ca “Tôi tin tôi có thể”.


Những tiết mục văn nghệ và lễ hội đặc sắc của hơn 20 cộng đồng dân tộc trên cả nước.


Những cô gái dân tộc tự tin trong không khí rất vui vẻ của sự kiện Tri thức bản địa- mạch sinh nguồn sống.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top