Tin tức

St. Petersburg sẫn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam

Đại sứ Ngô Đức Mạnh tại buổi làm việc với Thống đốc St. Petersburg G. Poltavchenko.
(Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)
Trước thềm loạt diễn đàn quốc tế về kinh tế và văn hóa, trong hai ngày 15 và 16/3, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh và lãnh đạo khối kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã có chuyến công tác đầu tiên đến St. Petersburg, thành phố quan trọng thứ hai của Nga sau thủ đô Moskva và là một trong những trung tâm hợp tác nhiều mặt với các địa phương của Việt Nam. 

Tại buổi làm việc ở trụ sở hành chính Smolnyi ngày 16/3 - cũng từng là trụ sở của Chính quyền cách mạng Xô Viết vào năm 1917, với Thống đốc St. Petersburg Gheorgy Poltavchenko, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết ông chọn St. Petersburg làm địa chỉ công tác đầu tiên tại Nga trước hết là muốn ghi nhận quan hệ tốt đẹp của lãnh đạo thành phố đối với cộng đồng Việt Nam, sau nữa là vì thành phố này chính là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến đầu tiên 95 năm trước đây, khi Người tới Nga tìm đường cứu nước. 

Trên cương vị mới, Đại sứ mong muốn và quyết tâm tạo được xung lực mới cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó với trọng tâm là hợp tác kinh tế, nối dài thêm cây cầu thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đến với St. Petersburg và ngược lại. 

Với cương vị là người đại diện cao nhất của Việt Nam tại Liên bang Nga, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã thông báo với ban lãnh đạo thành phố St. Petersburg những thông tin cập nhật mới nhất về thực tiễn tình hình Việt Nam, về chính sách mới trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, về những xu thế và định hướng ưu tiên. 

Qua nắm bắt địa bàn, Đại sứ cho rằng hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất có thể trở thành điểm kết nối trọng tâm trong thời gian tới đây của hai nước. Trong định hướng phát triển, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao nhiệm vụ từ nay đến năm 2020, đất nước cần đạt con số 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo ra cú huých đáng kể tăng kim ngạch thương mại, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu 10 tỷ USD song phương vào năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã đặt ra. Hợp tác đó rất cần đến vai trò “bà đỡ” và “tư vấn” của cơ quan thương vụ, phòng kinh tế và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cùng sự phối hợp và ủng hộ từ phía chính quyền sở tại. 

Về phần mình, Thống đốc Poltavchenko chỉ ra rằng ở thành phố có tới 160 dân tộc sinh sống như St. Petersburg, cộng đồng Việt Nam luôn tìm thấy điều kiện phù hợp và dễ chịu trong môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc ở đây để hội nhập và hòa nhập thuận lợi vào xã hội. 

Trong cộng đồng đã có không ít các doanh nhân thành công, đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố cũng như tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động hai nước. Với lực lượng 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, St. Petersburg sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và sự ủng hộ mang tính hệ thống đối với các đối tác Việt Nam. 

Theo Thống đốc, ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại thành phố du lịch St. Petersburg chắc chắn rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp này. Hai bên nhất trí sẽ phối hợp tổ chức loạt diễn đàn, hội thảo xúc tiến đầu tư và kinh doanh, tạo thêm nhiều cầu nối cho doanh nghiệp hai nước. 

Trước đó, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã gặp lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại chính quyền thành phố St. Petersburg, thăm trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg để nắm bắt thêm thông tin hữu ích và đưa ra những đề xuất khả thi. 

Là cơ sở giáo dục đại học và sau đại học lớn thứ hai của Nga, chỉ sau đại học MGU danh tiếng, trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg hiện là cái nôi của ngành Đông Phương học tại Nga, với Viện Hồ Chí Minh. Cơ sở giáo dục này là nơi đào tạo các chuyên ngành liên quan đến Việt Nam học cũng như các chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam chất lượng cao. 

Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam và lãnh đạo cao cấp nhất của Đại học Tổng hợp quốc gia St-Petersburg (SPbGU). (Arnh: Lê Hằng/Vietnam+)

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp của trường đang làm việc tại các tập đoàn, các công ty lớn liên doanh hoặc hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, do trường không trực thuộc Bộ Giáo dục và khoa học Nga nên chưa nhận đào tạo sinh viên Việt Nam diện thỏa thuận chính phủ. 

Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã đề nghị tìm kiếm cơ hội cho sinh viên Việt Nam. Hiệu trưởng Nikolay Kropachev đã nhất trí và cam kết hoàn toàn ủng hộ đề nghị này. Để bắt đầu, ông đề nghị Đại sứ Việt Nam tham gia Hội đồng Chương trình đào tạo, một dự án mà trường tiến hành nhằm ghi nhận các đánh giá, nhận xét từ bên ngoài về chương trình, chất lượng đào tạo của mình, để kịp thời cải tiến và nâng cao chất lượng, đồng thời nắm bắt nhu cầu đối với các chuyên ngành đào tạo của trường. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại St. Petersburg, đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam đã gặp gỡ đại diện các hội đoàn của cộng đồng, tìm hiểu tình hình sinh sống, kinh doanh, học tập của người Việt Nam tại thành phố, lắng nghe các nguyện vọng và tâm tư của bà con để có những biện pháp hỗ trợ, bảo hộ và động viên kịp thời./. 

TTXVN/VNP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình các chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Top