Thể thao

Siêu xung thiên: Từ “huyền thoại trận mạc” ra võ đài thế giới

Xuất phát từ bài binh khí của dòng võ phát triển trong triều đình nhà Nguyễn chuyên dành cho các vị tướng cầm quân xuất trận, bài võ Siêu xung thiên đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao cùng sức vóc để kiểm soát cây đại đao có kích thước lớn.
Còn được gọi là Siêu tứ môn, Siêu xung thiên được chọn là một trong 10 bài quốc võ trong số hơn 70 bài võ cổ truyền từ mọi miền đất nước được giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức năm 1994.

Tương truyền, võ sư Phan Văn Thành, quan bộ hình thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) đã sáng tạo bài võ Siêu xung thiên trong thời gian ông sinh sống và làm việc kinh đô Huế.

Lấy cảm hứng từ sự uy dũng và những lợi thế của cây đại đao, bài võ Siêu xung thiên được dành riêng cho các vị tướng mỗi khi cầm quân ra chiến trận. Đại đao, hay còn gọi là “Soái của trăm quân”, được các vị tướng xưa kia sử dụng khi ngồi trên lưng ngựa “tả xung hữu đột” giữa trận mạc.



Cây đại đao có thể công thủ toàn diện, khác chế được nhiều loại binh khí khác như: thương, kích, kiếm, đao…


Đại đao đấu với côn.


Đại đao đấu với thương trong chiến đấu.


Khi cần thiết, có thể dùng cán đao để tấn công bất ngờ đối phương, cũng có thể dùng thân đao,
lưng đao để đỡ, gạt phòng thủ toàn thân trước sự tấn công của đối phương.


Người sử dụng cây siêu đao trong tay có thể tấn công trên – dưới, tấn công tầm xa rất hiệu quả.


Khi cần thiết, có thể dùng cán của cây đại đao để tấn công bất ngờ đối phương.

Cấu tạo của cây đại đao gồm 4 bộ phận chính: thân đao, cán đao, đĩa đao và vòng kêu. Chiều dài và cân nặng của mỗi cây đại đao được thiết kế tùy vào khả năng của người sử dụng.

Bài võ Siêu xung thiên tuy không dài nhưng để có thể biểu diễn được thuần thục thì cần nhiều thời gian luyện tập với độ tập trung cao. Cũng bởi cây siêu đao rất khó sử dụng, trước khi nhập môn học viên cần phải đạt trình độ nhất định về võ thuật cơ bản để có thể lĩnh hội đầy đủ bài võ đòi hỏi cao cả về kỹ thuật lẫn thể lực này.

Đao pháp dùng trong bài võ Siêu xung thiên gồm những kỹ thuật đặc trưng như: bổ, chém, phạt, đâm, đỡ, xoay, vớt, gạt… kết hợp với các thế tấn pháp: đinh tấn, trung bình tấn, trảo mã tấn, xà tấn, tọa tấn, lập tấn, hạc tấn, miêu tấn.

Phần lớn, người sử dụng cây đại đao thường cầm chắc bằng hai tay, dựa trên sự di chuyển linh hoạt của thân pháp, phối hợp cước pháp và sự chắc chắn của tấn pháp để có thể thi triển những đường đao một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt.

Khi dùng đại đao tấn công, các đường đao bổ mạnh, chém rộng dũng mãnh trong từng chiêu thức, lúc động lúc tĩnh, uy vũ đường đường. Khi cần thiết, có thể dùng cán đao để tấn công bất ngờ đối phương, cũng có thể dùng thân đao, lưng đao để đỡ, gạt phòng thủ toàn thân trước sự tấn công của đối phương.

Trong số nhiều võ sư biểu diễn thành công Siêu xung thiên, Lê Công Minh được đánh giá là một trong những võ sư trẻ giữ được trọn vẹn những tuyệt kỹ của bài võ này.


Mới 25 tuổi và bắt đầu học võ cổ truyền từ tuổi lên 6, Lê Công Minh 5 năm liên tục đạt huy chương vàng với bài võ Siêu xung thiên tại các giải võ thuật cổ truyền toàn quốc từ năm 2011 – 2016.

Siêu xung thiên cũng giúp Lê Công Minh - hiện là thành viên của đội tuyển Võ cổ truyền Việt Nam - lọt vào top 5 thứ hạng cao nhất tại Liên hoan Võ thuật Thế giới tổ chức tại thành phố ChungJu (Hàn Quốc) năm 2013.

Báo Ảnh Việt Nam xin được giới thiệu những tuyệt kỹ của bài võ “huyền thoại trận mạc” này do võ sư Lê Công Minh thể hiện.


Lê Công Minh đã mang bài Siêu xung thiên biểu diễn tại Liên hoan Võ thuật thế giới
tổ chức ở Chung-Ju (Hàn Quốc) năm 2013 và lọt vào top 5 thứ hạng cao nhất.


Bài võ lấy cảm hứng từ sự uy dũng và những lợi thế của cây đại đao,
xưa kia được các tướng quân luyện tập và sử dụng để cầm quân mỗi khi ra chiến trận.


Chiều dài và cân nặng của mỗi cây đại đao được thiết kế tùy vào khả năng của người sử dụng.


Người luyện tập bài võ này phải biết phối hợp giữa cây đại đao với cước pháp
và sự chắc chắn của tấn pháp để có thể thi triển những đường đao một cách nhuần nhuyễn.


Phần lớn, người sử dụng cây đại đao thường cầm chắc bằng hai tay.


Bài võ sử dụng cây đại đao với nhiều kỹ thuật đặc trưng như: bổ, chém, phạt, đâm, đỡ, xoay, vớt, gạt.


Bài võ kết hợp cây đại đao với nhiều thế tấn pháp như: đinh tấn, trung bình tấn,
trảo mã tấn, xà tấn, tọa tấn, lập tấn, hạc tấn, miêu tấn.


Lê Công Minh thể hiện thế “Trảm phạt trung bình tọa ngưu canh” trong bài võ.


Thế “Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh” trong bài võ Siêu xung thiên.


Thế “Trảm phạt trung bình tọa ngưu canh” trong bài võ Siêu xung thiên.


Thế “Lạc mã bàng phi lai cấp thích” trong bài võ Siêu xung thiên.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Sau 2 ngày tranh tài diễn ra đầy kịch tính, Giải đua mô tô nước thế giới 2024 (UIM-ABP Aquabike World Championship) – chặng đua Grand Prix of Binh Dinh, đã lựa chọn được những gương mặt vận động viên xuất sắc nhất để vinh danh tại đầm Thị Nại (tp.Quy Nhơn, Bình Định).

Top