Nghệ thuật

Sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”

Với mong muốn đột phá bằng một sản phẩm văn hoá - du lịch đặc sắc để giới thiệu một cách đầy đủ về văn hoá, phong tục tập quán, con người Việt Nam, Tập đoàn Tuần Châu đã cho ra mắt sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tọa lạc ngay dưới chân núi Chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Được trình diễn trong thời gian khoảng sáu mươi phút, vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” với từng chương Thi – Ca – Nhạc – Họa, là bức tranh khảm quý giá được ghép bằng những nét tinh hoa văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bằng hình thức thể hiện đương đại, với hơn 200 diễn viên tham gia trên một sân khấu là mặt hồ rộng 4300m2 tương tác kết hợp với công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại nhất, vở diễn đã cho người xem cơ hội được khám phá lịch sử và văn hóa của Bắc Bộ.

Ca trù, dân ca Bắc Bộ, quan họ, chầu văn, tranh tố nữ, tranh Đông Hồ, múa rối nước, đời sống sinh động trên bến dưới thuyền, tập trận, sĩ tử đèn sách, sinh hoạt lễ hội nhộn nhịp yên bình…đều được phô diễn trên sân khấu giữa thiên nhiên nước non hùng vĩ. Từng cảnh, từng phân đoạn của vở diễn như được thổi một làn gió, một mùi hương mộc mạc, chân chất của làng quê Việt Nam. Chưa bao giờ tất cả những nét văn hóa tinh túy nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ thời bấy giờ lại được tái hiện lại một cách hoàn hảo, sống động và chân thực đến vậy.

“Điểm đặc biệt của vở diễn là các diễn viên trên sân khấu chính là bà con nông dân của  vùng đất Sài Sơn, Chùa Thầy. Sẽ không ai diễn tả chân thực và sinh động nhất đời sống văn hóa tinh thần của một vùng Bắc Bộ bằng chính những người dân của mảnh đất này”, Tổng Đạo Diễn chương trình Hoàng Nhật Nam chia sẻ.


Sân khấu “Tinh hoa Bắc Bộ” là một mặt hồ rộng 4300 m2 tọa lạc ngay dưới chân núi Chùa Thầy
nói về đời sống phong phú của một vùng Bắc Bộ thời xưa. Ảnh: Tất Sơn


Vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” có sự tham gia của các diễn viên là bà con nông dân
của vùng đất Sài Sơn, Chùa Thầy, Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn


Hình ảnh bà con đi hái sen, thăm đồng trong sương sớm mở màn cho chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”. Ảnh: Tất Sơn


Sân khấu “Tinh hoa Bắc Bộ” còn tái hiện lại một buổi thi cử thời xưa ở vùng quê Bắc Bộ. Ảnh: Tất Sơn


Hình ảnh tái hiện sự vui sướng của bà con khi được mùa. Ảnh: Tất Sơn


Vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” còn là nơi tôn vinh những di sản của Việt Nam trong đó có quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Tất Sơn


Hình ảnh bà con đi lễ chùa. Ảnh: Tất Sơn


Một phân cảnh tái hiện lại một buổi tát nước ngoài đồng chuẩn bị cho mùa cấy mới của bà con nông dân vùng quê Bắc Bộ.
Ảnh: Tư liệu


Phân cảnh thể hiện không khí nhộn nhịp mùa thu hoạch lúa của bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu



Với việc sử dụng sân khấu nước kết hợp với hiệu ứng ánh sáng hiện đại nên vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” 
đã mang đến cho người xem như được tận mắt nhìn thấy đời sống của người nông dân Đồng Bằng Bắc Bộ. Ảnh: Tư liệu



Màn múa rối nước dưới thủy đình để phục vụ du khách. Ảnh: Tất Sơn


Du khách nước ngoài giao lưu với các nghệ sĩ tại sân khấu”Tinh hoa Bắc Bộ”. Ảnh: Tất Sơn



Thông qua những kĩ thuật múa đương đại kết hợp với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại 
đã mang đến cho người xem những hình ảnh đẹp và ấn tượng. Ảnh: Tất Sơn



 “Tinh hoa Bắc Bộ” là sân khấu trên mặt nước nên việc sử dụng hiệu quả
của hiệu ứng ánh sáng đã tạo nên sự thành công  cho vở diễn. Ảnh: Tất Sơn

Được biết, các diễn viên là người dân của vùng đất Sài Sơn tham gia sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Đó là những em nhỏ khoảng 12 tuổi, 14 tuổi đến các cụ già đã 85 tuổi. Sau khi qua vòng tuyển chọn, Tập đoàn Tuần Châu đã tiến hành đào tạo các diễn viên không chuyên này trong vòng 1 năm.

Chia sẻ về quá trình tập luyện làm diễn viên cho chương trình, bác Tạ Thị Tuất (60 tuổi) cho biết: “Chúng tôi là những người nông dân, đã quen với nghề nông nghiệp nên khi tham gia tập diễn cho chương trình cũng không gặp nhiều khó khăn, vì nó đều gắn liền với cuộc sống thưở xưa của chúng tôi”. 

Bên cạnh những diễn viên là bà con nông dân của vùng đất Sài Sơn còn các diễn viên múa trẻ đến từ trường Cao Đẳng Múa Hà Nội cũng đã góp phần mang đến sự thành công của buổi diễn. Thông qua những kĩ thuật múa đương đại, khéo léo hòa quyện cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng tiên tiến nhất và hiện đại nhất hiện nay, chương trình đã mang lại cảm giác trọn vẹn nhất cho các khán giả thưởng thức show diễn. Có khá nhiều khán giả trưởng thành đã nhìn thấy được hình ảnh thuở bé thơ của mình.

“Hình ảnh ấn tượng nhất là những người nông dân đi ra từ phía cánh gà dưới ánh sáng của mặt trăng, họ đang tát nước, đang làm việc mà như biểu diễn những điệu múa. Hình ảnh ấy thực sự rất gần gũi và thân thương đối với tôi”, anh Nguyễn Hùng chia sẻ

Ngoài ra, khán giả nước ngoài cũng tỏ ra thích thú, hào hứng khi được giao lưu trực tiếp với các diễn viên ngay trong vở diễn hay bất ngờ trước một số phân cảnh trong chương trình.

Chị Cathy chia sẻ: “Điều mà tôi ấn tượng nhất là vở diễn đã mang đến cho người xem tất cả những khía cạnh trong văn hoá Việt Nam các bạn. Những hình ảnh làng quê, những cảm xúc mà chương trình mang lại thật sự tuyệt vời”./.

 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn & Tư liệu


Top