Nghệ thuật

Sài Gòn mùa dịch qua tranh của hoạ sĩ Lê Sa Long

Bộ tranh phong cảnh và ký hoạ sinh hoạt, tình cảm của người dân Sài Gòn trong ngày giãn cách vì đại dịch được hoạ sĩ Lê Sa Long thực hiện như một cách tri ân thành phố mang tên Bác, một thành phố của bao dung, của tình người hào hiệp.
Giữa những thông tin về ca mắc Covid-19, các khu vực tạm thời phong toả, có lẽ mọi người cũng cần một chút gì để động viên nhau về mặt tinh thần trong những ngày Tp.HCM căng mình chống dịch. Bộ tranh Sài Gòn thời giãn cách được họa sĩ Lê Sa Long thực hiện và đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ và yêu thích.
Hoạ sĩ Lê Sa Long sinh năm 1968, nguyên quán Bình Định nhưng sinh ra tại Đồng Tháp. Đam mê hội hoạ từ nhỏ, khi rời quân ngũ, anh theo học Đại học Mỹ thuật Tp.HCM. Ra trường, anh trở thành giảng viên Trường đại học Mở Tp.HCM. Lê Sa Long từng đoạt giải nhất Chân dung ký hoạ màu nước do Hội Mỹ thuật Tp.HCM tổ chức năm 1999, giải khuyến khích Cup Rồng Tre 2012 do Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch tổ chức và nhận bằng khen danh dự Mỹ thuật Bình Định 20 năm vào năm 2005.


Sài Gòn thời giãn cách gồm gần 40 bức tranh với chất liệu arcylic - pastel và màu nước, chỉ đơn giản là những tranh vẽ ghi lại nhịp sống của Tp.HCM trong những ngày giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19… Nhưng ở đó, người xem có thể bắt gặp khung cảnh rất đời bởi ánh mắt nhọc nhằn của những người lao động lam lũ; con đường vắng hoe vì giãn cách; những công viên, ghế đá không người lui tới; khu dân cư chịu cảnh giăng dây để nâng cao biện pháp phòng chống dịch…

Chân dung họa sĩ Lê Sa Long. Ảnh: Thông Hải/VNP



Họa sĩ Lê Sa Long sáng tác các tác phẩm hội họa “Sài Gòn những ngày giãn cách”. Ảnh: Thông Hải/VNP



Bộ tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách” chủ yếu được vẽ bằng chất liệu arcylic- 
pastel. Ảnh: Thông Hải/VNP


Họa sĩ Lê Sa Long giới thiệu tới công chúng những tác phẩm hội họa được trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình.
Ảnh: họa sĩ Lê Sa Long cung cấp

Trong những khó khăn và có chút đượm buồn đó, mọi thứ lại mang một hơi ấm đến kỳ lạ - hơi ấm tình người qua những gian hàng 0 đồng, ATM lướt ống, những phần cơm miễn phí gửi đến bà con lao động khó khăn cùng vượt qua mùa dịch. 

Nhìn hình ảnh một con phố vắng người mùa dịch Covid-19 ở Sài Gòn trong tranh Lê Sa Long, người xem bỗng trào lên những xúc cảm. Dịch bệnh đã làm thay đổi, làm đảo lộn cả bên ngoài thành phố và bên trong con người đang sống trong thành phố. Vẽ thành phố từ bên ngoài để thấy tâm hồn con người từ bên trong, đó là nghệ thuật. Lê Sa Long đã làm được điều đó, bằng tất cả yêu thương và tấm lòng mình gắn bó với người dân Sài Gòn bao năm nay. Họ đi vào tranh của anh một cách tự nhiên, bởi tâm hồn anh đã mở cửa đón họ vào.

Các tác phẩm đặc sắc trong bộ tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách” của họa sĩ Lê Sa Long: 
















Với hội họa của Lê Sa Long, ta gặp những con người lam lũ của Sài Gòn hoa lệ, hình ảnh họ hiện lên trung thực, không một chút làm màu hay che đậy, và đó chính là hình ảnh của người dân lao động Sài Gòn, những người đang khốn khó trong thời dịch bệnh vì không thể bám đường phố để sống. Hình ảnh đường phố vắng người không chỉ đẹp, mà còn đau, rất đau. Vì khi thiếu bóng dáng những người lao động đường phố, Sài Gòn như thiếu cái gì làm nên cốt lõi của mình.
 
Và cứ thế từng ngày, từng ngày, họa sĩ Lê Sa Long lặng lẽ hoàn thành các bức tranh xúc động về thành phố trong những ngày giãn cách, như để trả nghĩa cho thành phố đã mang lại cho anh nhiều cảm xúc./. 
 
 Bài và ảnh: Thông Hải


Top