Tiêu điểm

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, phóng viên TTXVN tại Seoul đã trao đổi với ông Hahn Choonghee (Han Chung Hi), Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, về mối quan hệ song phương cũng như mối quan hệ giữa hai Quốc hội.
Đánh giá về triển vọng quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc, ông Hahn Choonghee tin tưởng rằng mối quan hệ Việt-Hàn sẽ tiếp tục phát triển và thắt chặt trên mọi phương diện. Đây cũng chính là mong muốn của nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao, chính quyền, khu vực tư nhân cũng như người dân, giới trẻ hai nước. Việt Nam gần như đứng đầu trong số các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có quan hệ với Hàn Quốc. Điều này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước, không chỉ về lượng mà còn về chất cũng như sự gần gũi trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, thể hiện qua tình cảm và suy nghĩ của người dân Hàn Quốc về người Việt Nam và của người dân Việt Nam về người Hàn Quốc.

Đối với Hàn Quốc, quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong khu vực, ở tầm chiến lược, cả về văn hóa lẫn kinh tế. Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) tới Việt Nam tháng 3 vừa qua đã ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương.

Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhấn mạnh đúng như nhận định mới đây của Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc khi đến thăm Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ "gia đình". Hiện có hàng chục nghìn người Việt Nam đã tới Hàn Quốc để làm việc, học tập, xây dựng gia đình, trong đó có rất nhiều doanh nhân, chính trị gia Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam cũng rất yêu thích văn hóa Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, người Hàn Quốc từ các chính trị gia cho tới doanh nhân cũng rất muốn thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Trên thực tế, hai nước có nhiều nét tương đồng về truyền thống, văn hóa đặc điểm con người, sự tinh tế. Do đó, khi gặp gỡ, làm việc cùng với người Việt Nam, người Hàn Quốc đều cảm thấy rất gần gũi, như đang làm việc với anh em trong nhà. Ông Hahn Choonghee cho rằng đây là điểm quan trọng để hai nước có thể khai thác, tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược, đối thoại cấp cao, hợp tác song phương, cũng như hợp tác đầu tư chung vào đối tác thứ ba trong ASEAN.
Nghi lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay Seongnam ở Thủ đô Seoul. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đón và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 4 - 7/12/2018. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Seoul, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang cùng các đại biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đến dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và chứng kiến lễ ký chương trình hành động giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Lãnh đạo các Tập đoàn CJ, Tập đoàn Lotte, Tập đoàn VN One và Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Thị Ngân tiếp các đại biểu dòng họ Lý đang sinh sống tại Hàn Quốc.
Ảnh: Trọng Đức – TTXVN.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul cho biết, Nhật báo Busan và Quốc tế Busan ngày 4/12 đã đăng bài viết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong đó cho biết mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ cách đây gần 900 năm, khi Hoàng tử Lý Dương Côn và Hoàng tử Lý Long Tường lần lượt đến định cư tại mảnh đất Cao Ly. Ngày nay, quan hệ Việt-Hàn đang phát triển ngày càng toàn diện trên cơ sở những mối liên kết lịch sử, sự tương đồng về văn hóa, sự bổ trợ lẫn nhau về kinh tế, sự vun đắp của chính phủ và nhân dân hai nước.

Báo Korea Herald đăng bài viết của Tiến sỹ Kim Hyun-jae, Giám đốc Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Youngsan (Hàn Quốc) với tựa đề “Chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam báo hiệu mối quan hệ đối tác song phương tươi sáng”. Bài báo cho hay chuyến thăm này diễn ra khi Hà Nội và Seoul sắp kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược (2009-2019). Seoul đánh giá cao các mối quan hệ với Việt Nam và vai trò quan trọng của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoài ra, báo Korea Herald cũng thống kê, về mặt kinh tế, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 62,12 tỷ USD tính tới tháng 10 năm nay. Hàn Quốc cũng đứng thứ hai về Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam sau Nhật Bản và đứng thứ hai về du lịch và thương mại sau Trung Quốc.

Theo bài báo, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Mỹ, và dự báo vượt Mỹ trước năm 2020. Kim ngạch thương mại song phương tăng lên 61,5 tỷ USD vào năm ngoái – gấp 117 lần con số ban đầu 500 triệu USD năm 1992. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 55,45 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay. Với tốc độ này, con số này dự kiến sẽ vượt 100 tỷ USD/năm vào năm 2020.

Các hoạt động hợp tác văn hóa-xã hội cũng không kém phần sôi động. Khoảng 191.000 người Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống ở Hàn Quốc, và hiện có khoảng hơn 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam. Các cộng đồng này là nền tảng của các mối quan hệ song phương. Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên gần gũi hơn với hơn 70.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.

Về du lịch, Việt Nam là điểm đến ưa thích nhất của người Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Khoảng 2,5 triệu người Hàn Quốc đã tới Việt Nam năm ngoái, trong khi có khoảng 300.000 người Việt Nam đã đi du lịch Hàn Quốc năm 2017./.
 
  Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Trong không khí rộn ràng, háo hức của những ngày đầu xuân mới, các lễ hội truyền thống được tổ chức trên suốt chiều dài dải đất hình chữ S, từ khắp các nẻo đường, người người, nhà nhà lại nô nức đi trẩy hội để tưởng nhớ đến công ơn của những người đã có công với quê hương, đất nước và cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đó chính là nét đẹp văn hóa ngàn năm của lễ hội Việt cần được tôn vinh.

Top