Văn hóa

Xe lăn COGY - cơ hội hồi phục cho người khuyết tật

Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA, dự án hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng sử dụng xe lăn đạp chân Proflhand (tên thường gọi là COGY) đang mang lại cơ hội hồi phục cho người khuyết tật vận động Việt Nam.

Phó giáo sư, bác sĩ (PGS. BS) Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, dự án “Xây dựng mô hình phục hồi chức năng và đào tạo nhân lực phục hồi chức năng với việc ứng dụng xe lăn có bàn ở Việt Nam” được thực hiện từ tháng 3/2014. Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần xây dựng môi trường hỗ trợ người khuyết tật vận động tiếp nhận trị liệu thích hợp, hòa nhập xã hội. Ngoài Bệnh viện Bạch Mai được cung cấp 4 chiếc, xe COGY còn được trao tặng cho Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hải Phòng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Điều trị Bệnh nghề nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hà Tĩnh. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 bệnh nhân được sử dụng xe COGY trong phục hồi chức năng.

Giới thiệu về xe COGY, ông Kenji Suzuki - Giám đốc công ty TESS là đơn vị sản xuất và tài trợ xe COGY hỗ trợ dự án - cho biết, hiện nay số lượng người khuyết tật tại Việt Nam có xu hướng gia tăng do di chứng của chiến tranh và tỷ lệ tai nạn giao thông cao nên nhu cầu về phục hồi chức năng cũng tăng cao. Tuy nhiên, kỹ thuật phục hồi chức năng của Việt Nam mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, thời gian nhập viện ngắn và chưa đảm bảo được quá trình phục hồi chức năng. Thông qua việc ứng dụng phương pháp phục hồi chức năng sử dụng xe COGY kết hợp tính năng phục hồi chức năng mang tính duy trì và tiếp nối. Khi sử dụng xe lăn thông thường, bệnh nhân không sử dụng chân khiến cho cơ bắp suy yếu dần. Nhưng với xe COGY, bệnh nhân vừa có thể tự chuyển động bằng đôi chân của mình, vừa có thể rèn luyện để duy trì lực cơ bắp.

 


Giới thiệu về xe COGY, bệnh nhân vừa có thể tự chuyển động bằng đôi chân của mình, vừa có thể rèn luyện để duy trì lực cơ bắp.


Những chiếc xe này  nằm trong dự án hỗ trợ của JICA tại Việt Nam trong lĩnh vực y tế.


Những chiếc xe Proflhand hiện đại đến từ Nhật Bản trong dự án xây dựng mô hình phục hồi chức năng  
và đào tạo nhân lực phục hồi chức năng, với việc ứng dụng xe lăn có bàn đạp (xe lăn Profhand) ở Việt Nam.



Những chiếc xe lăn đạp chân Proflhand mang lại cơ hội phục hồi khả năng vận động cho nhiều bệnh nhân nặng.


Bệnh nhân liệt tập phục hồi chức năng trên chiếc xe hiện đại đến từ Nhật Bản.


Những bài tập phục hồi chức năng khoa học đi kèm với xe Proflhand
đã giúp điều trị hiệu quả cho hàng trăm bệnh nhân nặng trên khắp Việt Nam.


Trước khi tập luyện với những chiếc xe lăn đạp chân này phần lớn những bệnh nhân nặng không có khả năng vận động.
Mọi hoạt động của họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.


Từ hai năm nay những chiếc xe Proflhand đã là liệu pháp điều trị không thể thiếu
tại Trung tâm Phục hồi chức năng của bệnh viện Bạch Mai.


Nhân viên y tế tại Trung tâm Phục hồi chức năng của bệnh viện Bạch Mai
giúp các bệnh nhân sử dụng chiếc xe đạp chân Proflhand.


Một chiếc thang máy cũng được phía Nhật Bản viện trợ nhằm giúp điều trị thuận lợi cho các bệnh nhân.


Niềm vui của bệnh nhân bại liệt khi di chuyển được với chiếc xe lăn của Nhật Bản.

 

Với việc triển khai thành công và đạt hiệu quả, Bộ Y tế Việt Nam đã cấp chứng nhận cho xe lăn đạp chân sử dụng trong Dự án là dụng cụ phục hồi chức năng mới. Đây là bước mở đầu cho việc tạo lập môi trường phục hồi chức năng sử dụng xe COGY cho người khuyết tật Việt Nam. 

Tại phòng tập dành cho các bệnh nhân của Trung tâm Phục hồi chức năng, hàng ngày đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên đều giúp các bệnh nhân tập luyện ban đầu với các bài tập về cơ chân, tay. Sau đó, bệnh nhân sẽ có thời gian luyện tập vận động bằng đạp xe COGY từ 30-45 phút. Với việc có phần điều khiển bằng tay, các bệnh nhân có thể tự điều khiển xe và không còn đến sự trợ giúp của người khác. Trong quá trình tập luyện, các kỹ thuật viên sẽ có bài tập nhỏ phối hợp giữa điều khiển và nhận thức để kiểm tra mức độ tiến triển về não và cơ của người bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Quang (61 tuổi), nhập viện do tai biến mạch máu não chia sẻ: “Tôi đã tham gia điều trị phục hồi bằng xe lăn đạp chân được 10 ngày. Lúc mới vào tôi gần như nằm một chỗ, không thể đi lại được do bị liệt nửa người. Nhưng sau khi tham gia tập luyện thì đến giờ tôi có thể đứng dậy đi lại dần dần bằng gậy hoặc có ai dìu một bên tay. Xe lăn đạp chân đã giúp đỡ rất nhiều trong điều trị phục hồi khả năng vận động tôi cũng như những bệnh nhân khác ở đây.”.  

Theo liệu trình tập luyện 20 ngày, sự phục hồi của bệnh nhân sẽ được các bác sĩ Trung tâm đánh giá qua mức độ tiến triển về lực nắm tay, cải thiện trong khả năng di chuyển, độc lập trong sinh hoạt… Đến nay sau gần 3 năm triển khai dự án, Trung tâm Phục hồi chức năng của bệnh viện Bạch Mai đã điều trị hiệu quả cho 60 bệnh nhân đột quỵ não.

Sau khi dự án kết thúc, Bệnh viện Bạch Mai với tư cách là đơn vị chủ trì sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng môi trường hỗ trợ nhiều bệnh nhân, hướng tới việc áp dụng bảo hiểm y tế cho phương pháp trị liệu phục hồi chức năng bằng xe COGY./.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/xe-lan-cogy-co-hoi-hoi-phuc-cho-nguoi-khuyet-tat-136221.html


top