Xây dựng nông thôn mới – những bài học từ cơ sở

Rà soát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), năm 2010, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có 1 tiêu chí đạt chuẩn là an ninh trật tự và có đến 10/19 tiêu chí đạt ở mức thấp. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở mức rất cao, hơn 11%; chất lượng quy hoạch thấp; hơn 90% dân số làm nông nghiệp nên việc tăng thu nhập rất khó khăn; đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ có từ 7 đến 10 thửa…
Qua hai năm XDNTM, đến nay, Liên Mạc cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí với nhiều chỉ tiêu đạt cao như thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm (năm 2010 là 13,6 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,06% xuống còn 2,99%; gần 60% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế. Các trục đường làng, đường giao thông nội đồng đều đã được bê tông hóa, thuận lợi cho đi lại. Các tiêu chí khác như quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, môi trường, giáo dục, trường học… đều đã đạt chuẩn.

Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Nông chia sẻ, ngay từ đầu, Liên Mạc đã xác định quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là cơ sở để thực hiện các công việc tiếp theo. UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban của huyện để tổ chức không gian vùng sản xuất, tổ chức điểm dân cư nông thôn, trụ sở hành chính, trường học, các công trình công cộng, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa… trên cơ sở phù hợp với đặc điểm, tính chất từng vùng và không làm mất bản sắc văn hóa truyền thống. Trong các nội dung, xã chú trọng quy hoạch sản xuất nông nghiệp với việc hình thành 4 vùng sản xuất rõ rệt, gồm sản xuất rau sạch (17ha), chăn nuôi tập trung (13ha), chăn nuôi thủy sản gần (2ha) và trồng lúa (503ha). Những vướng mắc trong quy hoạch đã được xã xử lý thấu đáo, đặc biệt là các ý kiến phản ánh được tiếp thu nghiêm túc, giải quyết kịp thời, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
 

Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Đông Ngạc.

Tây Tựu là một trong những xã điển hình của Thành phố Hà Nội
khi xây dựng hệ thông giao thông có quy hoạch lòng, lề đường.

Các bác sỹ, y tá tại Trạm y tế UBND xã Đông Ngạc tận tình chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hệ thống hồ, ao trong các ngõ, xóm được cải tạo, tạo môi trường sống sạch, xanh, đẹp
ở hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.

Trong quá trình XDNTM, công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ có tầm quan trọng không kém quy hoạch. Qua quá trình triển khai, nhiều địa phương có cách làm hay, hiệu quả, người dân đã nhận thức rõ về mục tiêu, ý nghĩa XDNTM. Đông Ngạc (Từ Liêm) là một trong ít xã hoàn thành XDNTM dù không được chọn là xã điểm. Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc Nguyễn Văn Chiến cho biết, các hình thức tuyên truyền được triển khai bài bản, đồng bộ với nội dung dễ hiểu trên đài phát thanh, trong các hội nghị của Đảng ủy, UBND xã, họp thôn, lãnh đạo xã đối thoại với nhân dân… Một ưu điểm đáng kể ở Đông Ngạc là dù có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng xã đã chú trọng tuyên truyền để người dân có ý thức giữ gìn nét văn hóa truyền thống, bảo đảm hài hòa với phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại. Hiện nay, xã Đông Ngạc vẫn lưu giữ được hàng chục ngôi nhà cổ, đình làng 500 năm tuổi, các cổng làng, cổng ngõ… Đây là kinh nghiệm tốt cho các địa phương khác học tập vì triển khai XDNTM mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống không phải là việc dễ dàng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội cho rằng, thông qua chương trình XDNTM, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn đã có sự trưởng thành, người dân đã nêu cao ý thức đối với cộng đồng xã hội. Thực tế này được chứng minh rất rõ ở các địa phương hoàn thành XDNTM, như xã Tây Tựu có hơn 100 hộ dân tự nguyện đổi đất để làm đường, tự nguyện đóng góp 92 triệu đồng để lắp dựng hệ thống đèn chiếu sáng cho các trục đường xóm, ngõ; tham gia lao động hàng nghìn ngày công để duy trì vệ sinh môi trường, đào đắp, nạo vét kênh mương; xã Liên Mạc đã sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động nội lực trong nhân dân, doanh nghiệp với giá trị thực hiện đạt gần 150/318 tỷ đồng tổng kinh phí được phê duyệt... Đó là những kinh nghiệm tốt mà các xã khác cần tiếp thu khi triển khai XDNTM ở địa phương mình./.
Tin: Chí Kiên - Văn Luyến; ảnh: VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/xay-dung-nong-thon-moi-–-nhung-bai-hoc-tu-co-so-40074.html


top