Văn hóa

Vui hội Oóc Om Bóc Sóc Trăng 2022

Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội và thể thao đặc trưng của đồng bào Khmer diễn ra xuyên suốt từ Thành phố Sóc Trăng đến các Phum, Sóc, Chùa ở các địa phương tại “Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Ngày hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022” (từ ngày 06-08/11) đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm của người dân và du khách khi đến với Sóc Trăng nhân dịp lễ hội này.
Các hoạt động văn nghệ quần chúng đến từ 12 tỉnh, thành tham dự lễ hội được đầu tư dàn dựng công phu và ý nghĩa. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Vào những ngày diễn ra Lễ hội, những con đường ngõ hẻm, quảng trường, những ngôi chùa, Trung tâm văn hóa – thể thao và trên con sông Maspero thân thuộc của thành phố Sóc Trăng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn khi có rất đông người dân và du khách khắp nơi đến tham quan lễ hội và cổ vũ thể thao. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Anh Vũ Gia Phát, du khách đến từ TP.HCM hào hứng cho biết: “Tôi có bạn ở Sóc Trăng nên được mời đến chơi nhân dịp Lễ hội lần này; người dân nơi đây đôn hậu và nhiệt tình. Tôi “lỡ” say mê tiếng trống Sadăm và ấn tượng khó phai với môn đua ghe Ngo rất lạ và độc đáo của đồng bào Khmer mất rồi!”.

Tại quảng trường Bạch Đằng (Tp. Sóc Trăng), chương trình nghệ thuật mang chủ đề: “Sóc Trăng hội tựu và lan tỏa” trong đêm khai mạc vào tối 06/11 được dàn dựng công phu và ấn tượng với các tiết mục ca, múa, hoạt cảnh, vọng cổ, hợp tấu, trình diễn nhạc cụ dân tộc Khmer… nội dung giới thiệu quê hương, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế mà tỉnh Sóc Trăng đã đã được sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 – 2022).

 

Liên hoan "Văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục Khmer, trình diễn giới thiệu trích đoạn lễ hội nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm" diễn ra trong hai ngày 06-07/11 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sóc Trăng mang đến cho khán giả những trải nghiệm về âm nhạc, văn hóa, trang phục Khmer vô cùng ấn tượng và hấp dẫn. Cùng thời gian này, tại Khu đô thị 5A diễn ra các hoạt động “Trưng bày quảng bá văn hóa, du lịch, truyền thống địa phương” đến từ 12 tỉnh, thành phố tham gia Lễ hội lần này với các nội dung trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương như: các ấn phẩm, chương trình tour du lịch, sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer... góp phần quảng bá, giới thiệu nhiều di sản văn hóa, lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.

 

Vào 19h mỗi đêm diễn ra lễ hội, người dân và du khách được dịp thưởng thức màn trình diễn Lôiprotip (thả Đèn Nước) và ghe Cà-Hâu trên cầu Quay và cầu Cao của sông Maspero. Ngoài những chiếc đèn mang dáng dấp của những ngôi chùa tại địa phương được thiết kế công phu, hài hòa với không gian sông nước lung linh sắc màu rực rỡ còn có những chiếc ghe Cà Hâu được phục dựng sinh động, đẹp mắt. Theo tìm hiểu, Lễ thả Đèn Nước là một loại hình văn hóa độc đáo xuất phát từ Phật giáo, đây là lễ để cúng chiếc răng nanh của Phật Thích Ca được cất giữ nơi long cung bởi rắn thần Naga, được đồng bào Khmer giữ gìn đến ngày nay.

Biểu diễn múa Chằn truyền thống của đồng bào Khmer. Ảnh: Hiếu Nguyễn

 Chờ đợi nhất trong dịp lễ hội này chính là Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 được diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/11 trên sông Maspero. Năm nay, giải đua quy tụ 54 đội ghe Ngo tham dự (với khoảng 6.000 vận động viên tham gia thi đấu), đến từ 8 tỉnh là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và chủ nhà Sóc Trăng, trong đó, có 9 đội ghe Ngo nữ (Sóc Trăng 3 đội nữ) và 45 đội ghe Ngo nam (Sóc Trăng 37 đội nam). Với quy mô hoành tráng nêu trên, Giải đua đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập kỷ lục “Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất”. Đua ghe Ngo từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, thường được tổ chức trong dịp lễ hội Oóc Om Bóc mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với “thần nước” đã phù hợp cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngày hội năm nay thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 12 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh tham dự, riêng giải đua ghe Ngo thu hút gần 6.000 VĐV đến từ 8 tỉnh miền Tây tham gia tranh tài ở hai nội dung Nam – Nữ./.

 

 

 

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/vui-hoi-ooc-om-boc-soc-trang-2022-315020.html


top