Chân dung

“Vua” tiếng động Minh Tâm

Dù nghỉ hưu đã mấy chục năm, thế nhưng cái máu nghề của “ông vua” tiếng động Minh Tâm xem ra vẫn còn mãnh liệt như thời còn trai trẻ.

Ai đã từng một lần đến căn nhà riêng của nghệ sỹ tiếng động Minh Tâm nằm trong khu tập thể Hãng Phim truyện Việt Nam ở số 4 phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội chắc vẫn không thể nào quên được hình ảnh đống “đồng nát” mà ông lão nghệ sỹ vẫn còn giữ nguyên vẹn suốt mấy chục năm nay vì bảo đấy là đạo cụ thời còn làm nghề của mình.

Ai cũng thắc mắc, cái đống “đồng nát” đó sao ông không thanh lý cho mấy bà buôn đồng nát đi. Nhà thì chật mà ông lão vẫn “tham”, vẫn giữ lại nguyên vẹn từ cái chổi cùn, cái lốp xe hỏng, cho đến cái điếu cày cũ rích… Ấy thế mà, cả cái căn nhà chứa “đồng nát” ấy nay ông đã chuyển hẳn thành kho tư liệu tư gia mang tên “Đạo cụ thời làm tiếng động thủ công của điện ảnh Việt Nam”, còn ông thì chuyển về quê ở ẩn.

Để tìm được ông, chúng tôi đã phải lặn lội tìm về một làng quê ven bờ sông Đáy của huyện Mỹ Đức mới tìm gặp được ông. Đây là nơi mà sau khi rời xa phim trường, ông lão nghệ sỹ Minh Tâm, người được mệnh danh là “ông vua” tiếng động của điện ảnh Việt Nam lui về ở ẩn. 
 

Nghệ sỹ Minh Tâm, người được mệnh danh là "ông vua tiếng động" của làng điện ảnh Việt Nam.

Đạo cụ làm nên âm thanh tiếng hàn điện của "vua tiếng động" Minh Tâm là cái chổi cùn và chiếc rổ tre.

Tạo nên tiếng mỡ rán bằng cách vò một cái túi ni lông.

"Vua tiếng động" Minh Tâm tập trung lắng nghe để tạo nên những âm thanh giả nhưng giống như thật.

Bằng cách vẫy chiếc khăn tay ông cũng có thể tạo nên tiếng lá cờ bay phần phật trong gió.

Vẫn giữ thói quen như ngày trước, ông luôn giữ lại những vật dụng bỏ đi,
có khi đó chỉ là một cái vỏ lon bia, để làm đạo cụ tạo tiếng động giả.
 
Ngày trước, cái thời bao cấp còn xem phim đen trắng, khán giả xem phim có mấy ai để ý đến những người nghệ sỹ “buồng kín” âm thầm làm tiếng động cho phim như Minh Tâm. Khán giả đâu biết rằng, thời đó công nghệ làm phim của Việt Nam còn lạc hậu, có những thứ tiếng động không thể thu trực tiếp ngay ngoài hiện trường nên phải xử lý hậu kỳ trong buồng kín. Bởi vậy, người nghệ sỹ làm tiếng động như ông phải luôn làm việc trong một không gian chật hẹp, tối tăm nhưng đòi hỏi phải sáng tạo ra những âm thanh cuộc sống nhiều khi còn phải “thật hơn cả thật”.

Giờ đây tuổi cao nên tai của ông đã kém đi rất nhiều, đó là sự thiệt thòi lớn đối với một người làm cái nghề đặc biệt như ông. Thế nhưng hôm gặp chúng tôi, ông lão vẫn rất hào hứng nhờ cô giúp việc mang ra chiếc chổi tre quét sân, cái khăn mùi xoa và mấy chiếc túi ni lông to nhỏ khác nhau để làm lại những âm thanh trong phim cho chúng tôi thưởng thức.
«
      Nghệ sỹ Minh Tâm là người đầu tiên làm về tiếng động trong phim của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông đã làm tiếng động cho những bộ phim đầu tiên và nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam như: Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đêm hội Long Trì... Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã tham gia làm tiếng động cho khoảng 2000 bộ phim.
»


Nhìn ông làm tiếng động giả cứ như trò phù thủy. Ví dụ như cảnh hai vợ chồng đang ăn cơm, có chuyện khúc mắc, người chồng lia cả mâm cơm đi. Để tạo nên tiếng mâm cơm đổ vỡ, ông lão để mấy cái chén vào cái khay uống nước rồi dùng tay vỗ vỗ thế nào đó mà thành ra tiếng đổ vỡ nghe cứ như thật. Hay như tiếng lá quốc kỳ bay phần phật trong gió, tiếng ngọn lửa cháy phù phù, ông chỉ cần dùng chiếc khăn mùi xoa vẫy vẫy mấy cái mà thành. Hoặc như với một chiếc túi ni lông, ông vo nhẹ thì ra tiếng rán trứng, vo mạnh hơn một chút lại ra tiếng mỡ réo trên chảo, thậm chí là cả tiếng mái nhà tranh đang cháy rào rào trong gió…

Nhắc đến chuyện nghề, ông lão nhớ nhất cái lần làm tiếng động cho bộ phim “Tọa độ chết”. Số là sau khi quay xong, phim được đưa sang Nga làm hậu kỳ thu âm tiếng động. Ông cũng được cử đi theo đoàn để sang Nga học tập kỹ thuật làm tiếng động cho phim. Lần ấy, trong phim có cảnh một đàn voi kéo nhau đi trên đường. Để tạo tiếng bước chân của bầy voi, có thể do không hiểu rõ đặc thù bàn chân voi có đệm thịt dày nên chúng bước đi rất êm, các bạn kỹ thuật của Nga đã dùng cả một đoàn người đứng giậm chân vì nghĩ con voi to như vậy thì tiếng bước chân của chúng phát ra cũng rất to. Biết các bạn Nga nhầm nhưng ông không dám nói vì nghĩ mình là người đang sang học nghề của bạn. Tối về ông âm thầm làm tiếng voi chạy bằng một chiếc dày bọc vải xung quanh. Tình cờ đạo diễn của bạn nghe được và thế là họ quyết định sử dụng ngay âm thanh của ông cho cảnh quay đó.

Ngồi nghe những âm thanh mà ông tạo ra, tôi mới hiểu tại sao người ta phong cho ông nhiều biệt danh đến vậy, nào là ông vua tiếng động, nhà phù thủy âm thanh, ông trùm tiếng động…

“Cái nghề này nó đặc thù lắm, nhiều lúc bí bách đến mức muốn bỏ cuộc vì không tài nào nghĩ ra được cái thứ âm thanh như mình muốn, thế nhưng khi nghĩ ra nguyên lý của nó rồi thì lại thấy hứng thú và say mê vô cùng” - ông lão tâm sự. Bởi vậy, trong cuộc đời làm nghề, vui lắm mà buồn cũng chẳng ít, nhưng ông vẫn không nản mà luôn gắn bó với nó như một cái nghiệp trong suốt gần 50 năm.
 

Sau gần 50 năm gắn bó với nghề, ông lui về ở ẩn với thú vui an nhà của tuổi già.

Cho đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, tuy không còn làm nghề nữa nhưng xem ra nỗi nhớ nghề vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng ông. Cũng may sao, cô con gái của ông là nghệ sỹ Minh Thu lại chọn theo nghề của bố. Vì thế ông vẫn còn có nơi để truyền dạy, để sẻ chia những kinh nghiệm cũng như niềm đam mê luôn cháy bỏng của mình./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/vua-tieng-dong-minh-tam-43629.html


top