Chia sẻ về cơ duyên đến với môn thể thao đấu kiếm, môn thể thao khá mới mẻ ở Việt Nam tại thời điểm Vũ Thành An tiếp cận, anh cho biết thời gian đầu anh nghĩ chỉ tập cho vui. Tuy nhiên, sau một năm tập luyện, Vũ Thành An nhận thấy niềm đam mê đối với môn thể thao này. “Khi đấu kiếm, chiến thắng hay thất bại đều tạo ra một cảm giác rất đặc biệt,” Thành An nhớ lại những cảm xúc ban đầu khi tập luyện môn thể thao này.
Đến với môn đấu kiếm khi mới 15 tuổi, Vũ Thành An cũng giống như bao vận động viên (VĐV) khác khao khát đạt được ngay chiến thắng và thành tích và khi chưa đạt được như tham vọng thì cũng dễ bỏ cuộc. Vũ Thành An cũng đã có quãng thời gian dời bỏ đội tuyển vì lý do này. Tuy nhiên, một thời gian sau, anh lại được huấn luyện viên mời quay lại đội tuyển. Nhận thấy niềm đam mê với môn đấu kiếm vẫn còn cháy bỏng, Vũ Thành An đã đồng ý quay trở lại nhưng “chững chạc” và “hiểu chuyện” hơn. Vũ Thành An nhận ra rằng để có được thành công, thì cần phài khổ luyện cũng như cần thời gian, nên đã xây dựng lại mục tiêu và guồng phấn đấu mới, đó là mỗi ngày vượt qua chính bản thân mình từng chút một, chinh phục từng nấc thang SEA Games, rồi lại viết tiếp những giấc mơ khác…
Các VĐV nội dung kiếm chém đồng đội nhận huy chương vàng tại Seagames 31.
Khi nói tới bảng thành tích vàng của Vũ Thành An, không thể không nhắc tới huấn luyện viên người Nga Sergey của anh. Chính người thầy này đã giúp Vũ Thành An thay đổi tư duy, đó là không được để tâm lý chưa đánh đã sợ thua xảy ra.
“Khi gặp bất kỳ đối thủ nào, quan trọng là mình tìm điểm yếu của đối thủ đó, chứ không phải xem đây là ai. Mình thua thì mình biết vì sao mình thua, chứ không phải tâm lý là mình sợ người ta nên mình thua,” Vũ Thành An cho biết. Sự thay đổi trong tư duy đã giúp Vũ Thành An năm 2011 (19 tuổi) đã thắng đối thủ là một vận động viên quốc tịch Đức từng giành huy chương đồng Olympic.
Bên cạnh đó, thầy Sergey còn thay đổi cả phương pháp huấn luyện, theo đó Vũ Thành An được cho thi đấu liên tục và được sửa sai trên từng trận đấu… Cách này lại khá phù hợp với một kiếm thủ đang hừng hực khí thế và đầy khát vọng chinh phục như An, giúp anh liên tiếp gặt hái được thành công. “Chính thầy đã giúp tôi đi từ hạng cuối của Đông Nam Á, lên hạng đầu Đông Nam Á, rồi top Châu Á,” An chia sẻ về người thầy đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Dù ở đỉnh cao phong độ nhưng Vũ Thành An vẫn chăm chỉ luyện tập hàng ngày.
Theo Vũ Thành An, thể thao mà cụ thể là môn đấu kiếm không chỉ đem lại hào quang chiến thắng mà quan trọng còn giúp vận động viên trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Yếu tố đầu tiên để có một kiếm thủ Vũ Thành An đầy bản lĩnh của hiện tại đó là sự kiên trì, không bỏ cuộc. Trong thể thao, một vận động viên luôn luôn phải thách thức, phá vỡ giới hạn của chính mình, không bao giờ được lùi bước hay buông lỏng bản thân và phải có tính kỷ luật tốt.
Vũ Thành An cho biết mỗi vận động viên đều có lối đánh của riêng mình kể cả được học từ cùng một người thầy. Vậy nên, môn thể thao này đòi hỏi vận động viên không được bó buộc hay cứng nhắc với một chiêu thức nhất định nào mà phải tùy cơ ứng biến dựa trên những nguyên lý chung của bộ môn. Chính sự tùy cơ ứng biến này đã trang bị cho Vũ Thành An một cách thức đối diện, cách thức để giành chiến thắng khi gặp những đối thủ khác nhau trong các trận đấu.
Vũ Thành An trong một buổi tập.
Có một kiếm đạo nổi tiếng người Nhật nói rằng: “Vốn dĩ thiền và kiếm đạo đều là một, đều đưa con người ta đến với con đường diệt ngã”. Bởi vậy, luyện kiếm theo quan điểm của Vũ Thành An là luyện tâm hàng ngày và đây cũng là cách để rèn luyện trí tuệ.
Đây cũng là một trong những lý do mà Vũ Thành An mở câu lạc bộ (CLB) đấu kiếm Vietnam Fencing Club – CLB đấu kiếm phong trào đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2023 với mong muốn phổ cập môn thể thao quý tộc với rất nhiều lợi ích cho việc rèn luyện và hoàn thiện bản thân cho cộng đồng./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam