Thể thao

Võ quạt

Quạt (hay còn gọi là phiến, thiết phiến) là một trong 18 loại binh khí võ thuật cổ truyền Việt Nam, thường được các nữ võ sinh sử dụng trong biểu diễn rất đẹp mắt cũng như để phòng thân rất hữu hiệu.
Trong thực tế chiến đấu xưa kia thì cách chế tạo quạt dùng trong võ thuật cũng rất khác với chiếc quạt thông thường. Quạt dùng trong chiến có nan quạt được làm bằng kim loại (nhôm cứng, sắt…) trọng lượng vừa tay người sử dụng và mặt quạt bằng lụa, cho nên nó có tên gọi đầy đủ khác là thiết phiến.

Có nhiều loại quạt được sử dụng trong võ thuật như quạt sắt, quạt lụa, quạt giấy, quạt tre để phù hợp với từng đối tượng sử dụng.
     
Theo Tiến sĩ - Võ sư Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà), thông thường môn sinh ở bậc huấn luyện viên trở lên và thường ở độ tuổi trưởng thành mới được truyền dạy và luyện tập với thiết phiến. Bởi vì ở lứa tuổi và trình độ võ học nói trên, người học mới ý thức được chiếc quạt lúc này không chỉ là một vật dùng hàng ngày mà còn trở thành một loại binh khí, cũng có những đòn thế, cách vận dụng trong chiến đấu, phòng thân hữu hiệu để từ đó có sự tôn trọng, tập trung luyện tập loại binh khí ngắn xuất phát từ vật dụng cá nhân.



Môn sinh môn phái Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà (Takhado) luyện tập bài thiết phiến.


Dùng quạt luyện tập với quạt.


Dùng quạt xòe ra tấn công vào cổ, yết hầu đối phương.


Dùng quạt tấn công tầm thấp đối phương.


Dùng quạt khắc chế dao găm.


Quạt khắc chế đoản côn.


Dùng quạt tấn công vào phần chân dưới đối phương.


Xoay chuôi quạt tấn công vào mạn sườn đối phương là một đón đánh vô cùng bất ngờ và hiểm hóc.


Bài võ thiết phiến của môn phái Võ lâm Tấn khánh – Bà Trà với những đòn thế vừa đẹp mắt vừa hiệu quả trong thực tế.


Bài võ quạt thích hợp với nữ võ sinh cũng như với người đã trưởng thành, có ý thức trong việc luyện tập và sử dụng cây quạt như một binh khí thật sự.


Môn sinh Nguyễn Văn Trong – môn phái Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà luyện tập bài thiết phiến của môn phái.


Mặt quạt khi xòe ra tạo thành hình nửa vòng tròn, cho nên vừa có khả năng đỡ, gạt, vừa trở thành bề mặt để tấn công đối thủ.


Tạo hình với cây quạt rất đẹp mắt.


Dùng cây quạt tấn công linh hoạt ở nhiều vị trí trên cơ thể đối phương.


Có nhiều môn võ đưa bài võ quạt vào giảng dạy cho môn sinh của môn phái mình, trong ảnh là môn sinh bộ môn Wushu luyện tập với cây quạt.


Với cách luyện tập nhẹ nhàng và đẹp mắt mà chiếc quạt mang lại, nhiều người cao tuổi
cũng kết hợp luyện tập dưỡng sinh hay Thái cực quyền cùng với binh khí cây quạt.
     
Quạt được xếp vào hàng binh khí ngắn với những lợi thế nhất định, bởi vì các nan quạt bằng sắt vừa có thể gạt đỡ sự tấn công của đối thủ khi sử dụng binh khí dài hay ngắn nào, cũng như phản công hiệu quả, gây sát thương đối thủ ỡ những vị trí cây quạt sắt đánh vào. Ngoài ra, mặt quạt khi xòe ra tạo thành hình nửa vòng tròn, cho nên vừa có khả năng đỡ, gạt, vừa trở thành bề mặt để tấn công đối thủ. Sự đa dạng trong cách triển khai sử dụng như khi xòe ra hay gấp quạt vào đều có thể gạt, hất, đỡ, che chắn, bạt ngang, hộ vệ toàn thận hiệu quả, linh hoạt.
     
Binh khí thiết phiến thích hợp cho cả nam và nữ luyện tập, tuy nhiên nếu nữ võ sinh sử dụng binh khí này sẽ toát lên nét mềm mại và uyển chuyển hơn. Cây quạt là một vật dụng cá nhân có thể mang theo bên người, và khi gặp chuyện “chẳng đặng đừng”, người học võ có thể dụng nó làm một binh khí để phòng vệ chính đáng và hữu hiệu.
     
Ngày nay, với cách luyện tập nhẹ nhàng và đẹp mắt mà cây quạt mang lại, nhiều người cao tuổi cũng kết hợp luyện tập dưỡng sinh hay Thái cực quyền cùng với binh khí cây quạt. Loại binh khí ngắn, nhẹ nhàng và nhỏ gọn này rất thích hợp với các bài tập mềm mại, chậm rãi, góp phần vào việc rèn luyện và nâng cao sức khỏe của người cao tuổi.
     
Tại nhiều kỳ đại hội thể dục thể thao, đại hội võ thuật tại TP.HCM, bài võ quạt đã được người cao tuổi biểu diễn tập thể rất đẹp mắt và thành công, nhận được nhiều sự ngưỡng mộ từ lớp thế hệ trẻ./.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/vo-quat-241710.html


top