Tại phường Tương Bình Hiệp, Tp. Thủ Dầu Một (Bình Dương) có nhiều lò gốm chuyên sản xuất lu, khạp nổi tiếng hàng trăm năm nay. Trong quá trình lao động sản xuất các nghệ nhân làng nghề đã sáng tạo ra những bài võ độc đáo với chiếc lu, từ đó hình thành nên những bài võ lu vô cùng đặc sắc.
Quá trình tạo ra những chiếc lu, khạp hầu hết đều được các thợ gốm thực hiện bằng phương pháp thủ công. Đôi bàn tay thoăn thắt cùng đôi chân luôn vững vàng với các động tác nhào đất, nặn gốm, làm khuôn, tạo hình, khuân vác… đã trở nên quá quen thuộc và thuần thục với những người thợ lành nghề. Để rồi từ đó họ đã đúc kết ra những bài tập với chiếc lu và chỉ cho nhau cùng luyện tập như một cách để rèn luyện sức khỏe và mang tính giải trí trong công việc thường ngày.
Sau đó, Thạc sĩ – võ sư Trần Đình Dương, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Dương đã tổng hợp và xây dựng thành 18 bài võ lu từ cơ bản đến nâng cao rồi truyền lại cho các người thợ làng nghề, các môn sinh tập võ cổ truyền để cùng nhau luyện tập.
Những động tác trong các bài võ lu không hoa mỹ, phức tạp mà đa phần là những động tác đơn giản được đúc kết từ thực tế lao động sản xuất và biến hóa cho phù hợp với quá trình luyện tập. 18 bài võ lu được phân thành từng cấp bậc từ cơ bản, trung cấp đến cao cấp, trong đó có những bài phổ biến và tiêu biểu nhất như: bát quáu lu, lu cửu cung, lu thất tinh, lu ngũ hành, lu ngũ môn…
Tập luyện với chiếc lu ngay tại lò gốm.
Những bài tập với cái lu vừa giúp người thợ rèn luyện sức khỏe
và vừa mang tính giải trí trong công việc thường ngày.
Một thế tấn công bằng cái lu nhỏ.
Động tác trung bình tấn vừa ôm lu vừa (lu trung bình) bằng cườm tay để rèn luyện cơ bắp tấn pháp.
Có ba loại lu dùng để luyện tập là: lu lớn, lu trung bình và lu nhỏ với những mục đích luyện tập khác nhau.
Các bài tập võ lu giúp luyện tập sự dẻo dai của cơ bắp, tăng cường sức khỏe và phục vụ cho công việc được tốt hơn.
Môn sinh võ cổ truyền Trần Thanh Hổ thực hiện một thế đinh tấn với cái lu loại vừa (lu trung bình).
Khi cần thiết những chiếc lu trong tay cũng có thể trở thành một thứ binh khí phòng thủ,
dùng để chống lại các binh khí khác một cách hiệu quả. |
Có ba loại lu dùng để luyện tập là: lu lớn, lu trung bình và lu nhỏ. Mỗi loại lu có những bài tập luyện riêng và hướng đến những mục đích nhất định. Theo đó, bài tập với lu lớn thiên về tập bộ tấn, tấn pháp và cơ bắp nhằm tăng cường sức khỏe. Bài tập với lu trung bình (lu vừa) là sự phối hợp giữa sức mạnh và tốc độ, vừa rèn luyện thủ pháp. Bài tập với lu nhỏ giúp người tập rèn luyện tốc độ với những động tác linh hoạt, nhanh mạnh, dứt khoát.
Với chiếc lu trong tay, người tập có thể biến nó thành một dụng cụ hỗ trợ tập luyện sự dẻo dai của cơ bắp, rèn luyện sự vững chắc, linh hoạt của tấn pháp. Các bài tập của võ lu vừa giúp rèn luyện, tăng cường sức khỏe, đồng thời bổ trợ tốt hơn cho các kỹ năng sản xuất của người thợ làng nghề. Ngoài ra, các bài võ lu còn có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh tật liên quan đến công việc đặc thù của nghề làm lu như các bệnh về xương khớp, cột sống.
Với chiếc lu trong tay có thể xem là một vũ khí ngắn, dùng để phòng thủ, đánh cận chiến, áp sát đối phương, nhưng khi lu bị vỡ ra sẽ trở thành như một thứ ám khí, có thể chống lại các binh khí dài, tùy theo sự linh hoạt và cách vận dụng của người sử dụng./.
Phương pháp tập luyện giữ cái lu thăng bằng với một chân.
Khi cần thiết những cái lu sẽ trở thành một loại vũ khí ngắn để phòng thủ rất hiệu quả.
Một bài tập đối kháng song tô với song lu rất độc đáo.
Bài tập lu chống lại gậy dài.
Với cái lu trong tay, người tập có thể dùng nó như một vũ khí ngắn để tự vệ và phản công rất hiệu quả. |
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/vo-lu-tren-dat-thu-dau-mot-120853.html