(BAVN Online) Trải qua cả nghìn năm lịch sử, Võ phái Võ Lâm Phật Gia đã kế thừa một di sản võ học lớn trong kho tàng võ học Việt Nam. Võ phái Võ Lâm Phật Gia có bản sắc riêng mà ít môn võ khác có được. Võ Lâm Phật Gia là một võ phái hòa hiếu, chủ yếu dạy cho môn sinh cách rèn tập cơ thể và tu dưỡng nhân cách đạo đức, lấy “tu thân - dưỡng tính” làm tôn chỉ...
Tương truyền Võ Lâm Phật Gia có nguồn gốc từ Võ Lâm Việt Nam, môn võ đã có lịch sử từ thời Lý (1010-1225) được tập luyện nhiều trong giới Phật tử, khi mà Phật pháp có ảnh hưởng rất lớn đến cách trị dân của các bậc vua chúa. Cho đến đầu triều Nguyễn (thế kỷ 18), Võ Lâm vẫn còn có chỗ đứng trong triều đình. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, qua bao thăng trầm biến cố, Võ Lâm vẫn được duy trì, gìn giữ phát triển đến ngày nay.
Các võ nhí của võ “Võ Lâm Phật Gia”. |
Võ sư Băng Sơn hướng dẫn bài “Phượng hoàng đao” cho môn sinh. |
Biểu diễn kỹ thuật chiến đấu của “Võ Lâm Phật Gia”. |
Võ sư Băng Sơn trình diễn kỹ năng nội công của võ phái “Võ Lâm Phật Gia”. |
Môn sinh “Võ Lâm Phật Gia” biểu diễn nội công “thiết bố sam”. |
Năm 1985, Võ sư Băng Sơn (tên thật là Bùi Quốc Sơn, được sinh ra trong gia tộc họ “Bùi Xuân” ở Mao Điền - huyện Cẩm Giàng - tỉnh Hải Dương, một dòng họ có truyền thống thượng võ với các môn võ gậy, thiết lĩnh, lăn khiên, dao đôi, v.v... ) chính thức mở võ đường riêng tại Hà Nội. Ông lấy tên hiệu võ phái là Võ Lâm Phật Gia. Kể từ đây làng võ Hà Nội cũng như giới võ phía Bắc được biết tới Võ Lâm Phật Gia qua nhiều trận thi đấu giao hữu, với lối đánh chân chất nhưng không kém phần hoa mỹ. Trong giao đấu, môn sinh Võ Lâm đều nhường trước đối phương 3 đòn rồi mới đánh trả, khi trả đòn đều nương tay, đòn đánh không mang tính sát phạt, điều này đã tạo không ít cảm tình cho giới võ lâm đồng đạo và thu hút được rất nhiều thanh thiếu niên tới tập luyện.
Về cơ bản, Võ lâm Phật gia là môn võ xuất phát từ cửa thiền, đòn thế được phóng tác theo lối chiến đấu của các loài mãnh thú trong rừng.
Đặc điểm kỹ thuật của Võ Lâm Phật Gia được xây dựng trên nền tảng nguyên lý âm dương - ngũ hành, triết lý cổ truyền Đông phương và nền tảng ngũ hình quyền "Hổ - Báo – Long – Xà - Hạc”. Hổ quyền luyện tập xương cốt tạo sức mạnh cơ bản, chủ luyện “Cốt”; Báo quyền luyện sức mạnh và cơ bắp, sức bật và tốc độ, chủ luyện “Lực”; Long quyền luyện gân sức, sự dẻo dai nhu hòa, chủ luyện “Thần”; Xà quyền luyện thân pháp, eo, lưng, tay chân mềm dẻo, linh hoạt chủ luyện “Khí”; Hạc quyền luyện sự thăng bằng trầm tĩnh, chủ luyện “Tinh”.
Võ sư Băng Sơn nhận định, về phương diện võ thuật, công phu, nội khí công, Võ Lâm phái sắp đặt cân bằng giữa nội và ngoại lực để phát triển hoàn thiện con người theo hướng “tâm minh, thể tráng” trong sự sống, lấy con người làm chủ thể để rèn luyện, coi võ thuật chỉ là phương tiện để đưa con người đạt đến đích Chân - Thiện - Mỹ./.
Bài và ảnh: Hoàng Hà
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/vo-lam-phat-gia-19364.html