
Sân bay Mường Thanh năm xưa, nay trở
thành Cảng hàng không Điện Biên Phủ.

Học sinh trường Tiểu học số 1 Mường Phăng
trong giờ học ngoại khóa bên Cụm tượng
đài Công viên chiến thắng Mường Phăng.

Đèo Pha Đin hiểm trở năm xưa giờ đây đã
được đầu tư hệ thống cầu đường, đảm bảo nối
liền các vùng với Điện Biên Phủ, biến nơi đây
trở thành thành phố trung tâm vùng Tây Bắc.

Ngôi nhà mới của chị Lò Thị Toan (Bản văn
hóa Him Lam II, phường Him Lam, thành phố
Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Con đường nối bản Him Lam II với các bản
làng khác đã hoàn thành giúp đời sống bà con
người Thái phần nào bớt đi khó khăn, vất vả.

Những tấm khăn thổ cẩm của người Thái
bán cho khách du lịch đến thăm bản văn
hóa Him Lam II.

Chị Lò Thị Dóm bên khung cưi dệt thổ cẩm.

Đặc sản gạo Điện Biên với chất lượng dẻo,
thơm, ngọt, giờ trở thành một loại quà phổ
biến đối với du khách đến tỉnh Điện Biên.

Người dân thôn A1 xã Noọng Luống, huyện
Điện Biên, tỉnh Điện Biên thu hoạch cà chua
vụ Đông Xuân.

Những ngôi trường ở các xã biên giới như trường Tiểu học Pa Thơm, huyện Điện Biên,
tỉnh Điện Biên đã được đầu tư, nâng cấp cơ
sở vật chất.

Điện Biên năm 2009 được Bộ Giáo dục – Đào
tạo công nhận là tỉnh đã hoàn thành chương
trình phổ cập trung học cơ sở.
|
Điện Biên Phủ là địa danh ghi dấu ấn lịch sử thời đại, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. 55 năm sau, chiến tranh đã lùi xa, Điện Biên khoác trên mình tấm áo mới với những công trình làm đẹp thành phố, những bản làng như điểm sáng vềnbsp;cuộc sống, đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân trên chính vùng đất lửa đạn năm xưa…
Cuộc sống mới nơi chiến trường xưa
Đã nhiều lần tới Điện Biên, nhưng quả thực lần này sự đổi thay là quá lớn so với những gì chúng tôi tưởng tượng. Sân ga, nhà ga hiện đại, đường băng mở rộng, đường bộ nhiều đoạn tráng nhựa phẳng lỳ. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả vẫn là hàng loạt những công trình như: Di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Cum tượng đài Công viên chiến thắng Mường Phăng... đã hoàn thành, kịp tiến độ cho ngày đại lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2009).
Chúng tôi đến xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, đúng vào lúc các em học sinh Trường tiểu học số 1 Mường Phăng đang có buổi học ngoại khóa, nghe các chiến sĩ Điện Biên năm xưa kể chuyện truyền thống bên Cụm tượng đài Công viên chiến thắng Mường Phăng. Đứng bên Cụm tượng đài này, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa như cụ Lò Văn Bóng, Lò Văn Lọ, Quàng Văn Tản... vẫn say sưa kể chuyện truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông cho các em học sinh, khơi gợi trong các em niềm tự hào, lòng yêu nước, gắng sức học tập vì một Mường Phăng ấm no, hạnh phúc. Thầy Lê Quý Đương, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết, năm 2006, trường đã được đạt chuẩn quốc gia, từ niên khóa 2004-2005 đến nay, 100% các em đến tuổi đi học đều được đến trường, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường tăng đều hàng năm. Cơ sở vật chất, phòng học của trường cũng được đầu tư, xây mới khang trang hơn. Cả xã Mường Phăng hiện có 6 trường học, trong đó có 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở.
Đến bản văn hóa Him Lam II, thuộc phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, ai cũng có thể cảm nhận rõ nét sự đổi thay trong đời sống, sinh hoạt của bà con dân tộc Thái. Cả bản có 114 hộ với gần 500 nhân khẩu, trước kia, sống chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sốngnbsp;đã tốt hơn kể từ vài năm gần đây, khi bà con trong bản Him Lam II biết cách phát triển nghề phụ như: dệt thổ cẩm, tổ chức làm du lịch… Theo chân Trưởng bản Lường Văn Hịa, chúng tôi đến thăm nhà anh Lò Văn Tun, một hộ điển hình trong làm ăn kinh tế. Mặc dù rất bận với công tác địa phương, với công việc của một Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, nhưng anh lại là người rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái.
Sản phẩm thổ cẩm của gia đình anh Tun phong phú về chủng loại, mẫu mã bền đẹp, được du khách trong và ngoài nước đặc biệt ưa chuộng. Nhờ uy tín và chất lượng sản phẩm, khách đến nhà anh đặt hàng, lấy hàng thổ cẩm ngày càng đông, tới mức vợ chồng anh không còn phải mang hàng ra chợ bán như trước. Từ những sản phẩm thổ cẩm này, mỗi tháng vợ chồng anh để ra một khoản tiền không nhỏ sau khi dùng đủ cho sinh hoạt gia đình.
Trong ngôi nhà nhỏ, bà Lò Thị Lôi và cô con dâu đang vội vàng thu xếp nốt số túi thổ cẩm vừa may xong để mai đi chợ bán. Bà Lôi cho biết, ngoài việc nương rẫy, gia đình bà còn đi mua sợi ở chợ về, dệt vải, rồi may túi, khăn piêu bán cho du khách đến thăm bản. Bà Lôi cùng gia đình dự địnhnbsp;sắm thêm khung cửi mới, mua nhiều nguyên liệu hơn để mở rộng sản xuất. Cũng như gia đình anh Tun, bà Lôi, nhiều gia đình khác trong bản Him Lam II hiện đang khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, bởi đầu ra cho sản phẩm đã có kể từ khi bản trở thành điểm du lịch văn hóa.
Từ chủ trương của tỉnh Điện Biên phát triển du lịch kết hợp bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc, bản Him Lam II trở thành một trong 8 bản được tỉnh chọn làm thí điểm xây dựng bản văn hóa người Thái quần cư quanh thành phố Điện Biên Phủ. Với số vốn đầu tư 150 triệu mỗi bản, bản Him Lam II đã xây dựng được một nhà văn hóa khang trang đúng mẫu nhà sàn Thái truyền thống. Bản cũng thành lập một đội văn nghệ để tổ chức các đêm xòe, múa sạp, hát dân ca Thái, mời du khách thưởng thức các món ẩm thực. Đặc biệt, vừa qua, Ban Quản lý dự án thành phố Điện Biên Phủ thông qua dự án “Phát triển làng nghề”nbsp;đãnbsp;đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho bản Him Lam II năm hạng mục: sửa chữa cầu treo; bê tông hóa đường giao thông dân sinh; hệ thống nước sinh hoạt; lưới điện và kiên cố hóa kênh mương. Những công trình này đã và đang hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp đời sống bà con phần nào bớt đi khó khăn, vất vả.
Mãi là trái tim vùng Tây Bắc
Trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, tỉnh Điện Biên và đặc biệt là thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục chuyển mình, tiếp tục khẳng định là “trái tim” của vùng Tây Bắc. Để đạt được mục tiêu đó, trong rất nhiều việc phải làm, tỉnh Điện Biên xác định quy hoạch lại thành phố Điện Biên Phủ là một điều tất yếu. Ông Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, vừa qua, được Thủ tướng Chính phủnbsp;đồng ý, Bộ Xây dựng đang quy hoạch lại thành phố này. Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ sẽ mời chuyên gia nước ngoài tham gia đề xuất ý tưởng quy hoạch, đảm bảo Điện Biên Phủ sẽ là thành phố trung tâm vùng Tây Bắc, đồng thời phải bảo tồn, phát huy được các điểm di tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Với định hướng ấy, toàn bộ khu trung tâm hành chính hiện nay sẽ được quy hoạch một cách hợp lý theo hướng dịch chuyển về phía Đông và Đông Nam thành phố để dành lại diện tích cũ cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cánh đồng Mường Thanh. Và điểm nhấn là quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Không gian đô thị này kết hợp hài hòa với cánh đồng Mường Thanh, đan xen với những bản làng văn hóa truyền thống của người Thái và các dân tộc anh em khác là các khu du lịch sinh thái mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Điện Biên.
Các bản làng của người Thái cùng với những nét văn hóa đặc trưng, phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống cũng đã được tỉnhnbsp;đưa vào chương trình bảo tồn và tôn tạo. Hiện tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống tại 8 bản làng ở thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Bản sắc văn hóa truyền thống gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể của người Thái, một dân tộc chiếm đa số tại tỉnh Điện Biên đã thực sự làm cho du khách trong và ngoài nước ngỡ ngàng khi được đến đây. Chương trình này rồi đây sẽ tiếp tục được thực hiện đối với các dân tộc anh em khác như H’Mông, Khơ Mú, Lự, Lào…Bao quanh thành phố còn có cánh đồng Mường Thanh, hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, U Va… là những tiềm năng hết sức quý giá để phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh Điện Biên đã và đang mở rộng giao lưu, học hỏi và xúc tiến mời gọi liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Mianmar, Trung Quốc… Từ việc liên kết này, chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách đến với Điện Biên hơn, và đó cũng chính là những tiền đề quan trọng để phát triển ngành du lịch Điện Biên bền vững và lâu dài.
Điện Biên đang đồng lòng, chung sức làm nên một diện mạo mới, một chiến thắng Điện Biên mới trên mặt trận kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. nbsp;
“Điện Biên Phủ sẽ là thành phố trung tâm vùng Tây Bắc, phát huy được các điểm di tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây” - Ông Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên.
|
Bài: Mạnh Thành, Hữu Tuấn, Tuấn Long - Ảnh: Thành Đạt, Trọng Chính, Xuân Trường
|