Khám phá

Việt Nam - Trung Quốc chung sức bảo tồn loài vượn Cao Vít phương Đông

Bộ phim tài liệu đầu tiên trên thế giới về loài vượn Cao Vít phương Đông mang tên “Việt Nam - Trung Quốc chung sức bảo tồn vượn Cao Vít phương Đông” đã được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) cùng phát sóng. Bộ phim kể về công tác bảo tồn loài vượn Cao Vít phương Đông trong hơn mười năm qua của các nhà khoa học và những người làm công tác bảo tồn của hai nước.
Bộ phim tài liệu “Việt Nam - Trung Quốc chung sức bảo tồn vượn Cao Vít phương Đông” được sản xuất bởi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây và Công ty Truyền thông Văn hóa (Bắc Kinh) CNFilms.

Trước đây, vượn Cao Vít phương Đông được phân bố rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên do môi trường sinh thái ngày càng xấu đi, số lượng vượn Cao Vít đã giảm mạnh, loài vượn này đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận là một trong những loài linh trưởng nguy cấp nhất trên toàn cầu.

Vượn 
Cao Vít phương Đông từng bị coi là tuyệt chủng tại Trung Quốc từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Kể từ sau thập niên 60 của thế kỷ trước, Việt Nam cũng không có thông tin chính xác về sự phân bố của loài vượn này. Cho tới năm 2002 tại khu rừng biên giới giữa hai nước Việt Nam -Trung Quốc, những con vượn Cao Vít phương Đông đã lại một lần nữa được phát hiện. Tại Trung Quốc, người ta cũng đã ghi lại được hình ảnh về những con vượn Cao Vít.


 Vượn Cao Vít cá thể đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu.


Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận vượn Cao Vít là một trong những loài linh trưởng nguy cấp nhất trên toàn cầu.


 Vượn Cao Vít cá thể cái trưởng thành lông vàng, có mảng lông đen và không có chỏm.


Đoàn làm phim tài liệu “Việt Nam - Trung Quốc chung sức bảo tồn vượn Cao Vít phương Đông”.


Chờ đợi hàng giờ đồng hồ để có thể săn ảnh vượn Cao Vít.
 
Khu rừng núi đá karst giáp ranh giữa huyện Trùng Khánh (Cao Bằng, Việt Nam) và huyện Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) là nơi sinh sống cuối cùng trên trái đất của loài vượn Cao Vít phương Đông, nơi đây được ví như con tàu Noah của loài vật này. Sau khi vượn Cao Vít phương Đông được phát hiện tại Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Để bảo vệ vượn Cao Vít phương Đông, Trung Quốc đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Bangliang, còn Việt Nam thì thành lập Khu bảo tồn vượn mào đen Trùng Khánh, Cao Bằng. Hai bên cũng thiết lập cơ chế hợp tác bảo tồn vượn mào đen xuyên biên giới.

Tháng 9 năm 2011, cơ quan lâm nghiệp Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, hai nước hợp tác bảo hộ xuyên biên giới khu vực sinh sống của loài vượn Cao Vít phương Đông. Các chuyên gia hai nước đã cho đánh giá về khu vực sinh sống của loài vượn Cao Vít ở hai bên biên giới và sau đó đưa ra các biện pháp khôi phục môi trường sống cho chúng. Tại khu rừng núi đá karst này, hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã triển khai các cuộc tuần tra chung, thành lập đường dây nóng của khu bảo tồn để giúp hai bên kịp thời liên lạc và giải quyết các vấn đề liên quan. Lãnh đạo khu bảo tồn của hai nước luân phiên giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác và giao lưu 2 năm một lần trước cột mốc biên giới. Những đợt giao lưu này còn được gọi là “Hội đàm cột mốc”. Sau hơn 10 năm chung sức bảo tồn, số lượng vượn Cao Vít phương Đông đã dần ổn định và tăng lên. Tháng 11/2018, số liệu điều tra chung giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, số lượng vượn Cao Vít phương Đông dao động từ 122 đến 134 con, và thực tế có thể nhiều hơn.


Việt Nam và Trung Quốc ký kết Bản ghi nhớ về công tác bảo tồn vượn Cao Vít liên biên giới.

Đặt máy quay trên vách núi hiểm trở chờ đợi vượn Cao Vít xuất hiện.


Đoàn làm phim ghi lại một lần “Hội đàm cột mốc" tại biên giới phía Trung Quốc.


Poster phim tài liệu “Việt Nam - Trung Quốc chung sức bảo tồn vượn Cao Vít phương Đông”.
 
Để có thể quay được thước phim tài liệu trong khu rừng núi đá karst với địa hình phức tạp, đoàn làm phim “Việt Nam - Trung Quốc chung sức bảo tồn vượn Cao Vít phương Đông” đã tiến sâu vào Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Bangliang (Trung Quốc) và Khu bảo tồn thiên nhiên vượn Cao Vít huyện Trùng Khánh (Việt Nam), đoàn làm phim đã mất tới 1 năm mới hoàn thành xong việc quay bộ phim này.

Địa điểm quay vượn 
Cao Vít là khu rừng nguyên sinh dài hơn 30km nằm trên biên giới hai nước Việt-Trung, từ ngôi làng gần nhất dưới chân núi tới địa điểm quay nằm trong rừng sâu cũng phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Đó là vùng núi đá Karst lớn nhất thế giới, qua hàng chục triệu năm bào mòn, những tảng đá trở nên sắc như dao, rất khó đi lại và không có đường đi. Mang đồ nhẹ lên núi đã khó, vác theo nhiều thiết bị nặng trên lưng để trèo đèo lội suối càng không dễ chút nào. Khó khăn hơn là địa điểm quay lại thiếu nước, thiếu điện, nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào nước mưa. Một chiếc máy phát điện nhỏ chỉ có thể dùng để chiếu sáng, sạc pin, sạc điện thoại… Đoàn làm phim còn phải đối mặt với thời tiết mùa hè khô nóng, muỗi đốt, mùa đông lạnh giá, gió thổi lạnh buốt. Các thành viên trong đoàn thường bị đá sắc cào xước tay, thậm chí còn bị rắn cắn. Gian khổ là vậy song đoàn làm phim vẫn cố gắng kiên trì, để ghi lại được những hình ảnh quý giá về loài linh trưởng bí ẩn này.

Để có được hình ảnh của vượn 
Cao Vít phương Đông, đoàn làm phim đã nhiều lần phải sử dụng flycam, máy quay kỹ thuật số độ phân giải 8K, ống kính tiêu cự 50-1000mm và camera hồng ngoại. Do địa hình núi đá karst phức tạp, hơn nữa hành trình của vượn Cao Vít khá bí ẩn nên đoàn làm phim không thể theo dõi chúng dưới tán cây. Họ phải trèo lên một số vị trí cao khoảng 100-200m để quay, hoặc kiên nhẫn ngồi trong lều ngụy trang để chờ chúng xuất hiện. Có khi cả tháng trời cũng không quay được thước phim nào. Đoàn làm phim còn phải đặt máy quay hồng ngoại trên những cây mà vượn Cao Vít thường leo lên đó, mỗi ngày phải dậy từ 4h sáng để kịp quan sát chúng trước khi chúng bắt đầu gọi nhau, và quay lại được những thước phim đó.

Đạo diễn Đinh Thuyên kể về điều khó quên nhất trong quá trình quay phim, ông nói, có một lần, một đàn vượn leo lên cây cách họ chỉ 10m, ông có thể nghe thấy âm thanh mà chúng giao tiếp với nhau, đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Họ cũng rất may mắn quay được hình ảnh vượn con vừa mới chào đời, vượn mẹ ôm ấp vượn con mới vài tháng tuổi, vượn con quặp chân tay vào vượn mẹ và bú...

Ngoài ra, đoàn làm phim còn phải di chuyển trên hành trình dài hàng chục ngàn km, từ Bắc Kinh xuống Quảng Đông, Hồng Kông, rồi đến Hà Nội… để phỏng vấn các nhà khoa học, nhà bảo vệ sinh thái, kiểm lâm của hai nước về câu chuyện bảo tồn vượn 
Cao Vít đầy cảm động, sự hợp tác bảo vệ xuyên biên giới loài động vật nguy cấp trên thế giới và cùng chung tay bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Đạo diễn Đinh Thuyên cho biết, hy vọng bộ phim tài liệu này có thể giúp công chúng hiểu hơn về loài vượn Cao Vít phương Đông, từ đó thúc đẩy nhận thức và bảo vệ loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này./.
 
Thực hiện: Tạp chí Hoa Sen

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/viet-nam-trung-quoc-chung-suc-bao-ton-loai-vuon-cao-vit-phuong-dong-181905.html


top