Tiêu điểm

Việt Nam thúc đẩy hợp tác toàn diện với Nga và Belarus

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Belarus và Liên bang Nga từ ngày 26/6 - 1/7/2017. Chuyến thăm góp phần củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tạo xung lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tại chuyến thăm, các nhà Lãnh đạo Nga và Belarus đều khẳng định luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên và quan trọng ở khu vực.
Việt Nam - Belarus thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 26-28/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Alexander Lukashenko, hội kiến Chủ tịch Viện Đại biểu (Hạ viện) Quốc hội Vladimir Andreichenko, Thủ tướng Andrei Kobyakov.

Tổng thống Alexander Lukashenko đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được và khẳng định Belarus luôn coi Việt Nam là một trong những ưu tiên đối ngoại quan trọng của Belarus ở khu vực Châu Á.


Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiếp đón 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Cung Độc lập ở Thủ đô Minsk.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Alexander Lukashenko. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Alexander Lukashenko ký Tuyên bố chung
Về phát triển toàn diện và sâu rộng giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarus.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Alexander Lukashenko
dự và phát biểu khai mạc tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Belarus. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Thủ tướng Belarus Andrei Kobyakov. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Chủ tịch Hạ viện Belarus V. Andreichenko. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Hai bên đã thảo luận và thống nhất nhiều giải pháp cụ thể nhằm đưa hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư phát triển hơn nữa, trước hết là phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu và Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam nhằm tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD trong hai năm tới; đồng thời nghiên cứu mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp mà hai nước có tiềm năng lớn.

Hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tốt Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Belarus trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục và văn hóa giai đoạn 2016-2018; tiếp tục triển khai hiệu quả hợp tác quốc phòng-an ninh…

Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Belarus khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và hoan nghênh các nỗ lực nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).


 

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Belarrus năm 2016 đạt 94,5 triệu USD; riêng quý 1/2017 đạt 37,7 triệu USD. Việt Nam xuất sang Belarus chủ yếu là thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính... Việt Nam nhập khẩu từ Belarus các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất…

 

Việt Nam - Liên bang Nga tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6-1/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp hẹp và hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hội kiến Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin. 

Tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên của Nga ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian tới.


Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tiếp đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang
tại Điện Kremlin ở Thủ đô Moskva. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin
đã có cuộc gặp hẹp và hội đàm quan trọng. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng kiến  Lễ ký
Thoả thuận hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng Thông tấn Sputnik của Nga. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến T
hủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến 
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến
Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Tọa đàm Kinh tế Việt - Nga.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu đã có hiệu lực vào tháng 10/2016 nhằm tranh thủ tối đa những lợi thế mà hiệp định đem lại để mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2020. 

Hai bên nhất trí tích cực triển khai hiệu quả các dự án đầu tư ưu tiên tại hai nước như dầu khí, sản xuất sữa, lắp ráp, sản xuất ô tô...; đồng thời nghiên cứu các dự án hợp tác mới về năng lượng, hạ tầng, xem xét khả năng tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình. 

Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, đặc biệt về kỹ thuật quân sự; nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động, hợp tác giữa các địa phương…

Trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo đều nhất trí cho rằng các tranh chấp biên giới, lãnh thổ trong đó có các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
 


Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nga đạt 2,7 tỷ USD năm 2016 và 1,37 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2017. Nga hiện đứng thứ 23/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 118 dự án và tổng số vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng... Vài năm trở lại đây, đầu tư của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, từ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, đến nay đã có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn 2,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp...


TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/viet-nam-thuc-day-hop-tac-toan-dien-voi-nga-va-belarus-152379.html


top