Theo kế hoạch, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sắp có chuyến thanh tra thực địa lần thứ 5 nhằm xem xét gỡ “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam. Đây được xem là thời điểm mang tính quyết định để Việt Nam gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” ngay trong năm 2024. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật khẩn trương mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chống khai thác IUU, xử lí tàu cá “03 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng kí nhưng vẫn còn hoạt động...
Quảng Ngãi là địa phương có đội tàu cá lớn với hơn 4.700 tàu cá các loại. Ảnh: Vỹ Thi Theo kế hoạch, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sắp có chuyến thanh tra thực địa lần thứ 5 nhằm xem xét gỡ “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam. Đây được xem là thời điểm mang tính quyết định để Việt Nam gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” ngay trong năm 2024. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật khẩn trương mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chống khai thác IUU, xử lí tàu cá “03 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng kí nhưng vẫn còn hoạt động...
Theo đánh của Chính phủ, sau 7 năm chống khai thác IUU, các ban, bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khai thác hải sản theo quy định IUU. Đến nay, qua 4 đợt thanh tra của EC, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả cụ thể, được phía EC ghi nhận.
Quảng Ngãi có đội tàu cá hùng hậu có thể vươn xa bám biển, đánh bắt dài ngày. Ảnh: Thanh Hòa & V ỹ Thi
Tuy nhiên vẫn còn một số mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt, chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của EC liên quan đến các nội dung về đăng kí, cấp giấy phép khai thác thủy sản, xử lí tàu cá "3 không"; vi phạm quy định về lắp đặt và quản lí, vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, cùng với các địa phương nghề cá, Quảng Ngãi đã nỗ lực quyết tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" nhằm không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia.
Lực lượng biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra các tàu cá trước khi cấp phép ra khơi. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Được biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.700 tàu cá các loại, 11 trạm kiểm soát biên phòng, 05 cảng cá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản là: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh, 05 Tổ kiểm soát nghề cá tại cảng cá (Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn) để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và tàu cá ra vào cảng nhằm phát hiện và xử lí các hành vi vi phạm và thực hiện kiểm tra tàu cá xuất nhập qua cảng cá, công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, thu nhật kí khai thác thủy sản, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
Tính từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (trong đó có hành vi vi phạm khai thác IUU, vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài) 166 trường hợp/165 phương tiện với tổng số tiền 2.957.400.000 đồng (khoảng hơn 110.000 USD).
Cán bộ biên phòng phát tờ rơi hướng dẫn ngư dân về quy định phòng, chống khai thác IUU. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Nhằm kiểm soát chặt số lượng tàu cá của địa phương, đến nay Quảng Ngãi đã làm thủ tục đăng kí được cho 4.721 tàu cá. Trong đó tổng số tàu cá đã đăng kiểm là 2.605 chiếc, tỉ lệ tàu cá được đánh dấu cơ bản đạt 100%, tổng số tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 2.976/3.069 chiếc (đạt tỉ lệ 98,76%).
Đặc biệt, thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã xử lí và xử phạt gần 780 trường hợp tàu cá các loại vi phạm. Đặc biệt, cũng nhờ có VMS mà tình trạng tàu cá vi phạm vượt ranh giới trên biển đã giảm hẳn, từ đầu năm đến nay chỉ có 4 trường hợp nhưng chủ yếu do các nguyên nhân bất khả kháng như: vớt thúng cùng các thuyền viên trôi dạt, tìm kiếm cứu nạn… nên không xử phạt.
Lực lượng chức năng Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm quy định khai thác, đánh bắt IUU. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Có thể nói, công tác tuyên truyền luật thủy sản và chống khai thác IUU được Quảng Ngãi thực hiện thường xuyên, quyết liệt, nhờ đó ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế vi phạm khai thác IUU.
Từ đây đến cuối năm, đặc biệt là thời điểm chuyến thanh tra lần thứ 5 của EC đang đến gần nên Quảng Ngãi đang ra sức tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngư dân nắm và chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu.
Các hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển đều được lực lượng chức năng Quảng Ngãi theo dõi, giám sát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp khác nhau, bằng cả hồ sơ sổ sách lẫn thiết bị giám sát hành trình hiện đại. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Theo đó, Quảng Ngãi sẽ tăng cường thực thi pháp luật đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá đảm bảo các hành vi vi phạm khai thác IUU được phát hiện, ngăn chặn; đặc biệt là các hành vi vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá; kiên quyết xử lí các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ để mang tính răn đe.
Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), một tấm biển cảnh báo cỡ lớn ghi rõ hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép có thể bị phát tới 01 tỉ đồng, tức khoảng 39.000 USD, một số tiền không hề nhỏ đối với ngư dân Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tăng cường hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng kí để tàu cá đủ điều kiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản nhằm đảm bảo 100% tàu cá có giấy phép khi hoạt động thủy sản trên biển. Xử lí đối với tàu cá đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt thiết bị VMS để sớm hoàn thành việc lắp đặt; thống kê danh sách tàu cá không còn trên thực tế, tàu cá không hoạt động để xóa đăng kí, đưa ra khỏi danh sách quản lí nhằm tăng tỉ lệ lắp đặt.
Ngư dân Quảng Ngãi dần biết rằng việc thực hiện tốt quy định khai thác và đánh bắt IUU sẽ đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho sinh kế của chính mình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tăng cường công tác kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản tại cảng, thu nhật kí khai thác thủy sản và xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác; hướng dẫn ngư dân cài đặt, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) chú trọng thực hiện giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng (đối chiếu các thông tin từ giám sát thực tế, nhật kí khai thác và thông tin từ hệ thống giám sát tàu cá) đảm bảo độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đầy đủ. Và đi cùng với đó là triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng cá; giải quyết các vướng mắc để đầu tư nâng cấp các cảng cá,... đảm bảo phục vụ hoạt động khai thác thủy sản và chống khai thác IUU./.
- Thực hiện: Thanh Hòa, Phạm Cường, Vỹ Thi
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/viet-nam-quyet-tam-go-the-vang-iuu-382958.html