Nghệ thuật

Việt Nam qua tranh giấy

Trong không khí hoạt động sáng tác sôi nổi của giới mỹ thuật thủ đô hướng tới kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945- 2/9/2017), mới đây Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức triển lãm “Tranh giấy” tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật- Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài- Hà Nội).
Là một trong những người có tác phẩm trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, giấy là chất liệu thông dụng để họa sĩ vẽ tranh và rất cơ động trong các chuyến đi vẽ thực tế. Giấy làm nền được kết hợp với các chất liệu màu mực gồm có thuốc nước, mực nho, bột màu, tempera và cả sơn nước acrylic. Các kỹ thuật thể hiện cũng phong phú như vẽ màu phủ hay vẽ loãng, hút, thẩm nhuộm, hoen nhòe của mực, màu. Tranh giấy thực sự đẹp và rất đa dạng.
Nhiều bức tranh vẽ bằng bột màu, màu nước hay mực nho trên giấy rất có giá trị.

Triển lãm “Tranh giấy” trưng bày 124 tác phẩm được thực hiên trên các loại giấy từ roki, các tông, đến giấy dó, giấy bản truyền thống. Chủ đề nổi bật vẫn là sáng tác về Hà Nội. Với mỗi phong cách và góc nhìn khác nhau, các tác giả đã khai thác phong phú về cảnh sắc, về hoạt động của người Hà Nội trong tranh. Đó là những tác phẩm có nội dung lịch sử hay phản ánh sinh hoạt đời thường thân thuộc của người thủ đô. Bên cạnh đó, các bức tranh thể hiện nắng giữa lòng phố cổ hay ngoại thành của Hà Nội đều đượm màu ký ức.



Triển lãm "Tranh giấy" thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng yêu nghệ thuật.


Triển lãm với mảng màu đượm màu ký ức trong tâm trí những người Hà Nội.


Hầu hết các tác phẩm trong triển lãm mang chủ đề về Hà Nội.


Triển lãm thu hút người xem bởi những sự thể hiện màu sắc và nội dung chủ đề đa dạng.


Các tác phẩm được thể hiện trên chất liệu giấy với nhiều mảng đề tài phong phú.

Tác giả trẻ Nguyễn Phương Thảo, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thể hiện cảm nhận của mình qua tác phẩm "Ngõ phố Vọng". "Em muốn khai thác một góc khác với những gì quen thuộc mỗi khi nhắc đến Hà Nội như Hồ Gươm, phố cổ… Đơn giản em chỉ muốn thể hiện phong cảnh yên bình nơi em sinh ra và lớn lên", Phương Thảo chia sẻ.

Bên cạnh đó là những tác phẩm đậm sắc màu của những lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian hay núi rừng Tây Bắc cũng được các tác giả thể hiện đặc sắc qua những kỹ thuật vẽ tinh tế.

Hoạ sĩ Trần Từ Thành lại tìm vẻ đẹp của đồng bào dân tộc ở Hà Giang qua khung cảnh phiên chợ Quản Bạ. "Bức tranh vẽ các chàng trai, cô gái H’mong trong trang phục dân tộc xuống chợ thể hiện nét sinh hoạt riêng của bà con đồng bào nơi đây. Nhưng đủ để thấy một bản nhạc văn hoá chung của dân tộc Tây Bắc", hoạ sĩ Trần Từ Thành nói về bức tranh khắc gỗ, in trên giấy của mình.

Tham quan triển lãm, người xem có thể thấy các tác phẩm đã thể hiện đủ các kỹ thuật đa dạng dùng vẽ trên chất liệu giấy, điều này cho thấy mỹ thuật thủ đô ngày càng sáng tác đa dạng với nhiều nội dung đề tài, thông qua tài năng sáng tạo của nghệ sĩ. Sự sinh động về nội dung được lấy làm mạch chủ đạo mà người xem có thể thấy được trong nhiều bức họa đã tạo nên một phòng tranh đẹp của các họa sĩ thủ đô.

Hoạ sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cho biết: "Hội cũng nhận được rất nhiều tác phẩm dự thi. Sau quá trình lựa chọn nghiêm túc, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn ra những tác phẩm thể hiện thành công nhất trên giấy và có giá trị nghệ thuật cao nhất để giới thiệu tại triển lãm lần này. Triển lãm đã thu hút rất nhiều thế hệ hoạ sĩ tham gia, từ những hoạ sĩ cao niên đến các hoạ sĩ trẻ. Đây là một trong những triển lãm khẳng định rằng mỹ thuật thủ đô rất đa dạng, phong phú”./.



Tác phẩm “Cảm xúc Ngọc Sơn”của tác giả Nguyễn Minh Kỳ.


Tác phẩm “Phố cổ” của tác giả Mai San.


Tác phẩm “Phố Nguyễn Quang Bích” của tác giả Dương Việt Nam.


Tác phẩm “Giai điệu buồn” của tác giả Nguyễn Văn Cường.


Tác phẩm “Ven hồ” của tác giả Ngô Văn Chính.


Tác phẩm “Nét xưa ngoại thành” của tác giả Trịnh Đệ.


Tác phẩm “Đền Cổ Loa” của tác giả Nguyễn Quốc Cường.


Tác phẩm “Hồ cá ngoại thành” của tác giả Vũ Đình Lương.


 Tác phẩm “Làng Mông Phụ, Đường Lâm” của tác giả Trần Đức Lợi.


Tác phẩm “Đền Phủ Tây Hồ” của tác giả Lê Như Hà.


Tác phẩm “Sài Sơn chùa Thầy” của tác giả Phạm Thị Ngọc Thanh.


Tác phẩm "Hát Quan Họ" của tác giả Đỗ Nam Cường.


Tác phẩm “Sống trên đá” của tác giả Hải Nghiêm.


Tác phẩm “Chợ Quản Bạ” của tác giả Trần Từ Thành.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/viet-nam-qua-tranh-giay-156086.html


top