Tin tức

Việt Nam có nhiều đóng góp trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể

Nhân kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (18/4/2003-18/4/2023), Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về những đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ công ước này.
  Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Ảnh: Nguyễn Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp  

 

Phóng viên: Thưa Đại sứ, năm 2023, UNESCO kỷ niệm 20 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003). Với tư cách là Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, xin bà đánh giá về những đóng góp và thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước này ?

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003 nhằm gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống của nhân loại, tăng cường nhận thức và sự tham gia của các cộng đồng, địa phương, quốc gia, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này.
Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới. Nhìn lại 20 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những thành tựu và đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy thực hiện công ước quan trọng này, không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn ở tầm toàn cầu.
Ở tầm quốc gia, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực lồng ghép và phát huy các nội dung và tinh thần của công ước vào các luật, các chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn được đánh giá cao, là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc thực thi công ước một cách hiệu quả, thiết thực. Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Với việc bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị của 15 di sản văn hóa phi vật thể này, Việt Nam góp phần gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại, bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, đóng góp quan trọng vào bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại. 
Ở tầm toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chủ động và mang tính xây dựng cho sứ mệnh của Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể năm 2003, nhất là cho cơ chế điều hành then chốt của công ước là Ủy ban liên Chính phủ. Chúng ta là một trong số những thành viên được bầu sớm nhất vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2006 – 2010. Năm ngoái, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Ủy ban nhiệm kỳ 2022 – 2026 với số phiếu cao nhất. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả của Việt Nam. 
Ở vị trí điều hành, Việt Nam đã, đang và sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, đồng thời cũng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở tầm toàn cầu. Điều này khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung trong nỗ lực nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.

Phóng viên: Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Xin bà cho biết ý nghĩa của việc ghi danh các di sản này? 

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việc ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng, địa phương có di sản, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam với 54 dân tộc anh em, khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với các di sản, những giá trị văn hóa của Việt Nam. Với 8 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, với đặc trưng riêng của từng vùng miền, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hoá của nhân loại
Thông qua các di sản được ghi danh, Việt Nam có cơ hội tôn vinh di sản, tôn vinh và tri ân những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng và nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy, trao truyền giá trị của di sản như mục tiêu mà UNESCO đang thúc đẩy, đồng thời cũng giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc. 
Với các di sản được ghi danh, Việt Nam cũng có điều kiện để tranh thủ sự ủng hộ, để cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy vào giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại. 
Việt Nam cũng nhận thức sâu sắc rằng các di sản được ghi danh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà đi cùng đó là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân trong triển khai các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhân loại. 

Phóng viên: Vậy theo Đại sứ, chúng ta cần làm gì để phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của mình ?

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Theo tôi, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả "Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản” theo đúng cam kết với UNESCO, thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại với cả tâm huyết và tấm lòng vì di sản, vì dân tộc. 
Việc bảo tồn, phát huy di sản không chỉ ở trong nước mà còn cần để quốc tế biết đến di sản của chúng ta nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa nhân loại, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa nhân loại. Việt Nam cũng cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa “di sản” thành “tài sản”, biến “tiềm lực” thành “nguồn lực”, để văn hóa, di sản thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/viet-nam-co-nhieu-dong-gop-trong-gin-giu-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-phi-vat-the-328980.html


top