Mới đây, đông đảo khách tham quan có dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp của gốm cổ Nam Bộ được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng sản phẩm gốm Nam Bộ ở Nhà triển lãm Tp. Hồ Chí Minh, 92 Lê Thánh Tôn, Quận 1. Đối với nhiều nhà sưu tầm, triển lãm này giúp họ hiểu biết hơn về lịch sử các dòng gốm nổi tiếng vùng Đông Nam Bộ trong thế kỷ 19-20, như: gốm Xóm Lò, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu (Bình Dương).
Triển lãm lần này tập trung vào nội dung “Minh văn trên sản phẩm gốm”, với cách hiểu minh văn là những câu chữ được nghệ nhân, nhà sản xuất in, khắc trên sản phẩm. Những câu chữ này mang thông tin của sản phẩm, và trong nhiều trường hợp còn chứa đựng cả phong cách sản xuất, hoàn cảnh ra đời sản phẩm, thú sưu tập đồ gốm của người xưa...
Không gian triển lãm được sắp xếp trình tự theo 4 dòng gốm của Nam bộ là gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn, gốm Lái Thiêu và gốm Biên Hòa. Hơn 500 hiện vật trưng bày tại triển lãm thuộc sở hữu của hơn 90 nhà sưu tập tư nhân đến từ 14 tỉnh thành, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ…
Không gian triển lãm được sắp xếp ngăn nắp theo 4 dòng gốm của Nam Bộ
là gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn, gốm Lái Thiêu và gốm Biên Hòa.
Triển lãm thu hút khách tham quan và những người yêu thích sưu tầm đồ cổ.
Làng gốm Lái Thiêu nổi tiếng ở miền Nam với những sản phẩm gốm tinh tế, đậm chất Nam Bộ
Gốm Cây Mai khẳng định tên tuổi với các sản phẩm gốm men màu đặc trưng.
Chiếc trống đồng bằng gốm Biên Hòa, men nâu, giữa thế kỷ 20. |
Các hiện vật trưng bày tại triển lãm mang đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về lịch sử của những vùng gốm và đời sống văn hóa đương thời của cư dân Nam Bộ. Trong đó, nhiều hiện vật quý hiếm được người chơi dày công sưu tầm như: bộ chân đèn rồng thuộc dòng gốm Cây Mai ở thế kỷ 20, bức tượng Di Lặc, tượng danh nhân Nguyễn Trãi thuộc dòng gốm Biên Hòa thế kỷ 20…
Gốm Nam Bộ đẹp, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của cư dân địa phương. Dòng gốm Cây Mai chuyên sản xuất các đồ tự khí (thờ cúng), trang trí, đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chú ý từng chi tiết. Gốm Lái Thiêu tập trung vào đồ gốm gia dụng phục vụ đời sống hàng ngày. Gốm Thành Lễ ra đời trong khoảng thời gian từ 1958 -1968 trên cơ sở kế thừa tinh hoa gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Dòng gốm này nổi bật với những họa tiết tạo hình độc đáo về đề tài lịch sử, đặc biệt là các danh nhân, anh hùng dân tộc.
Gốm Nam Bộ không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ độc đáo của người nghệ nhân và người chơi, mà thể hiện được tính cách của người Nam Bộ luôn cởi mở, nhiệt thành và luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ./.
Bình Sâm, gốm Cây Mai đầu thế kỷ 20.
Tượng lân, gốm Cây Mai đầu thế kỷ 20.
Ấm treo tường “Đồng hòa diêu tạo” gốm Cây mai, men nhiều màu đầu thế kỷ 20.
Chân đèn rồng, dòng gốm Cây Mai giữa thế kỷ 20.
Bộ sưu tập gốm Lái Thiêu giữa thế kỷ 20.
Khay, ấm, chén trà, gốm Lái Thiêu, giữa thế kỷ 20.
Bộ sưu tập Gạc bù lệch (phiên âm từ chữ “gargoulette”), dòng gốm Lái Thiêu giữa thế kỷ 20.
Bộ sưu tập tượng Nguyễn Trãi, tượng tiên nữ, tượng ngựa gốm Biên Hòa, gốm Thành Lễ giữa thế kỷ 20.
Bộ sưu tập đèn dòng gốm Biên Hòa, gốm Thành Lễ giữa thế kỷ 20.
Bộ sưu tập gốm Biên Hòa giữa thế kỷ 20.
Sản phẩm gốm Biên Hòa, giữa thế kỷ 20.
Bình gốm Biên Hòa giữa thế kỷ 20.
Bộ sưu tập gốm Sài Gòn, giữa thế kỷ 20.
Lư hương, gốm Sài Gòn, giữa thế kỷ 20. |
Bài và ảnh: Nguyễn Oanh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ve-dep-gom-nam-bo-156081.html